Hùng vĩ Mã Pì Lèng – Hà Giang
Mã Pì Lèng là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam với cung đường hiểm trở dài khoảng 20 km men theo sườn núi cao 2000m. Vẻ đẹp hoang sơ như thuở khai thiên lập địa nhưng không kém phần lãng mạn, huyền bí nơi đây đã thu hút rất nhiều du khách đến tham quan và chinh phục.
Tên gọi Mã Pì Lèng theo tiếng Quan Hỏa có nghĩa là "sống mũi con ngựa", ý chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua cũng phải ngừng thở hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi của con ngựa.
Con đường đèo nổi tiếng này còn có tên là Con Đường Hạnh Phúc nối liền Đồng Văn với thị trấn Mèo Vạc, được xây dựng nên bởi hàng vạn thanh niên xung phong và đồng bào dân tộc từ những năm 1959 cho đến năm 1965.
Mã Pì Lèng được xem là một “công trình kỳ tích”, ví như “Vạn Lý Trường Thành” của Việt Nam hay “Kim Tự Tháp” của người Mông. Năm 2009, khu vực Mã Pì Lèng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng danh lam thắng cảnh quốc gia bao gồm: đèo Mã Pì Lèng là khu vực di sản địa chất và cảnh quan đặc sắc, khu vực đỉnh đèo được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh đẹp nhất Việt Nam và vực hẻm sông Nho Quế là một trong những thung lũng kiến tạo địa chất độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
Chặng đường chinh phục đỉnh đèo huyền thoại này chắc hẳn sẽ là một trải nghiệm vô cùng thú vị và khó quên đối với những ai đã từng đặt chân tới nơi này. Từ chân đèo men dọc theo sườn núi, con đường như một dải lụa mềm quanh co uốn khúc ôm lấy những vách đá dựng đứng, bên dưới là vực sâu thăm thẳm. Trên cao nhìn xuống, du khách có thể thấy dòng sông Nho Quế với một màu xanh ngắt uốn lượn, êm ả trôi, mơ màng chảy dọc theo đèo Mã Pì Lèng như dải tóc mây dài bất tận của người thiếu nữ. Vực sông này cũng là vực hẻm sâu nhất Đông Nam Á, nếu đi trên đường đèo xuống đến con sông phải mất một ngày trời nhưng đây cũng chính là nơi có cảnh sắc ngoạn mục và nên thơ nhất. Nước sông xanh một màu xanh ngọc pha với màu lam của núi rừng tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình, đẹp đến huyền hoặc, say đắm lòng người.
Sự tích kể rằng xưa kia quả núi vẫn còn vẹn nguyên, nước chảy từ trên núi xuống bị ứ lại bên kia núi trong khi bên này thì khô hạn, đất đá nứt nẻ, cỏ cây trơ trụi. Một hôm thần Sông đề nghị thần Núi chuyển mình sang một bên để nước sông chảy qua tưới mát cho vùng đất khô hạn nhưng thần Núi vờ như không nghe thấy. Thần Sông bèn tâu lên Ngọc Hoàng, người ra lệnh cho thần Núi nằm dịch sang nhưng Thần Núi vẫn làm như không biết, tiếp tục ngủ từ đông sang hè, từ hè sang đông. Thế rồi vào một đêm mưa gió, bỗng có một tiếng nổ làm rung chuyển đất trời, ánh sáng chói lòa, Thần Sét rút lưỡi gươm lên, Thần Núi vỡ ra làm đôi, nước chảy thành dòng lớn. Nước đi đến đâu cây cỏ xanh tốt đến đấy, chỉ qua một đêm mà những sườn núi khô hạn đã mướt màu xanh. Nước cứ đi, đi mãi, thành dòng sông Nho Quế ngày nay.
Sau khi vượt qua những con dốc và cung đường tưởng như dài bất tận sẽ tới đỉnh Mã Pì Lèng. Đặt chân tới nơi đây, hẳn bất cứ ai cũng sẽ vô cùng ngỡ ngàng trước bức tranh tuyệt đẹp của núi rừng hiện lên trên nền trời sáng trong, giữa không gian bao la, kỳ vĩ. Bức tranh đó được tạo nên bởi những nét vẽ tuyệt tác của thiên nhiên, từ màu trắng huyền ảo của những đám mây vờn nhẹ trên những ngọn núi trùng trùng điệp điệp ngàn tầng vạn lớp đến cái thẳm sâu hun hút của vực. Đặc biệt, nơi khu vực đèo Mã Pì Lèng có một mỏm đá nhô ra, đây chính là nơi cảm nhận được trọn vẹn nhất sự hùng vĩ bao la của núi rừng miền biên giới phía Bắc. Đứng trên mỏm đá này, chúng ta có cảm giác như đang ở giữa lưng chừng trời, chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi. Vào những ngày nắng đẹp trời trong, những gì sương mù che lấp sẽ hiện ra. Đó là thấp thoáng những mái nhà, chòm bản, cả những ruộng lúa, nương ngô và hoạt động bình dị ngày thưởng của người dân nơi thâm sơn quỷ cốc.
Trên đỉnh Mã Pì Lèng có đặt một tấm bia ghi lại những dấu ấn gian khổ trong quá trình xây dựng con đèo. Đây cũng là nơi tưởng nhớ những người đã hy sinh cả tính mạng làm nên Con Đường Hạnh Phúc và cũng chính là biểu tượng của gian khổ, hy sinh, của cả hoa và máu, là huyền thoại về sức trẻ thanh niên 16 dân tộc thuộc các tỉnh Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái và Nam Định, Hải Dương trong suốt 8 năm lao động thủ công quên mình.
Mặc dù chặng đường chinh phục ngọn đèo đầy hiểm trở nhưng phút giây đứng ở nơi cao nhất ngắm nhìn cảnh sắc tuyệt diệu của thiên nhiên luôn thôi thúc ước mơ một lần đến nơi đây của nhiều người, để được vỡ òa trong cảm xúc, choáng ngợp trước không gian hùng vĩ, say đắm với hình sông thế núi vời vợi và cảm nhận vẻ đẹp vô cùng của đất nước quê hương./.