Hoạt động của ngành

Hội thảo Xây dựng Chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Cập nhật: 14/09/2015 08:52:54
Số lần đọc: 1088
(TITC) - Bên lề Hội chợ Du lịch Quốc tế TP. Hồ Chí Minh (ITE – HCMC) lần thứ 11 năm 2015, sáng 12/9/2015, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Tổng cục Du lịch đã chủ trì tổ chức hội thảo Xây dựng Chiến lược thương hiệu Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.


Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Quốc Hưng phát biểu khai mạc hội thảo

Hội thảo có sự tham dự của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Quốc Hưng cùng đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị chức năng thuộc Tổng cục Du lịch; chuyên gia Dự án EU; đại diện các Sở Du lịch và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch một số tỉnh, thành phố; các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cùng các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quốc Hưng cho biết, Chiến lược phát triển thương hiệu Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định rõ quan điểm, mục tiêu cũng như định hướng, lộ trình, giải pháp và khung kế hoạch hành động cụ thể, đảm bảo cho công tác quản lý và phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, đồng bộ, có tính cạnh tranh, dài hạn và bền vững. Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 sẽ phát triển được thương hiệu du lịchmang tính quốc gia, có thể cạnh tranh được với khu vực và thế giới, được nhận diện một cách tích cực, rộng rãi tại các thị trường mục tiêu; đồng thời trở thành công cụ quan trọng trong quản lý nhà nước về du lịch, hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản phẩm và xúc tiến quảng bá du lịch có trọng tâm, trọng điểm.


Ông Lê Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch trình bày tại hội thảo

Tại hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) Lê Tuấn Anh đã trình bày báo cáo xây dựng Chiến lược phát triển thương hiệu Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với 3 nội dung cơ bản gồm: khái niệm, yêu cầu, thách thức của vấn đề nhận diện thương hiệu; thực trạng phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam và nội dung định hướng của chiến lược.

Các đại biểu cũng đã thảo luận, phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức của ngành Du lịch Việt Nam; đánh giá hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá, xây dựng hình ảnh thương hiệu du lịch Việt Nam thời gian qua, các giải pháp mà du lịch Việt Nam có thể áp dụng để tiếp cận các thị trường trọng điểm; đồng thời đề xuất định hướng, chiến lược xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam trong thời gian tới, góp phần xây dựng và thực hiện thành công Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. 

Thương hiệu điểm đến là tập hợp những cảm nhận của du khách dựa trên sự trải nghiệm thực tế, nghe kể lại hoặc tiềm thức của họ đối với những giá trị đích thực của một điểm đến du lịch, tác động tới thái độ và cảm xúc của họ đối với điểm đến. Thương hiệu điểm đến luôn được đặt ở vị trí trọng tâm của các hoạt động tiếp thị truyền thông, bao gồm: hình ảnh, phong cách thiết kế, các chiến dịch tiếp thị, các ấn phẩm quảng bá, wesbsite, biểu trưng và cả thái độ ứng xử của các chủ thể tham gia vào hoạt động du lịch. 

Trong nhiều năm qua, ý thức được tầm quan trọng của vấn đề xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch quốc gia, ngành Du lịch Việt Nam đã chú trọng đầu tư cho công tác quảng bá xúc tiến du lịch và đạt được những kết quả nhất định. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch không ngừng được tăng cường đầu tư. Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác quảng bá xúc tiến được nâng lên từng bước theo hướng chuyên nghiệp. Chất lượng thông tin tuyên truyền về du lịch ngày càng được nâng cao, phong phú và thể hiện tính sáng tạo nhiều hơn. Hình thức quảng bá liên tục được cải tiến, thực hiện thông qua nhiều kênh khác nhau và ngày càng đi vào chiều sâu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.


Toàn cảnh hội thảo

Tuy nhiên, việc xây dựng và triển khai thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam vẫn còn tồn tại những bất cập do nhiều nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan. Một trong những nguyên nhân chính là chưa tập trung sâu vào công tác nghiên cứu thị trường để tìm ra sản phẩm du lịch chủ đạo, mang tính cạnh tranh cao, làm điểm nhấn cho thương hiệu. Để xây dựng thương hiệu điểm đến mang tính quốc gia, bền vững, Việt Nam cần chú ý tới công tác nghiên cứu, rà soát các sản phẩm đặc thù và thế mạnh của điểm đến; đồng thời đánh giá sự hài lòng của du khách để tìm ra những giá trị cơ bản của điểm đến. Đây là yếu tố quan trọng để hình thành nên thương hiệu và xây dựng biểu trưng, khẩu hiệu phù hợp cho các chiến dịch tiếp thị truyền thông.

Bài: Phạm Phương; ảnh: Diễm Phi

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục