Hội thảo quốc tế về liên kết phát triển du lịch Việt Nam, Lào, Campuchia tại Bình Thuận
Hội thảo nhằm phân tích, đánh giá tiềm năng, lợi thế và thực trạng phát triển du lịch, từ đó đưa ra các chính sách, giải pháp gắn kết phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch của các tỉnh/thành phố vùng duyên hải miền Trung với vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên, các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia. Đồng thời tạo diễn đàn trao đổi, tiếp xúc trực tiếp giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế với lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh/thành phố liên quan.
Hội thảo sẽ có sự tham gia của hơn 500 đại biểu là đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan; cơ quan du lịch Lào và Campuchia; đại diện Đại sứ quán của gần 20 quốc gia tại Việt Nam; lãnh đạo thành phố Hà Nội cùng 19 tỉnh, thành thuộc các vùng duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ, Tây Nguyên; lãnh đạo 4 tỉnh Nam Lào (Attapeu, Saravane, SeKong, Champasack) và 4 tỉnh Đông Bắc Campuchia (Mondulkira, Rattanakiri, Krachie, Stung Treng); các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế; các chuyên gia về du lịch tại các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước cùng các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước.
Trong khuôn khổ hội thảo, nhiều hoạt động sôi nổi sẽ được tổ chức, tiêu biểu là triển lãm du lịch quốc tế khu vực tam giác phát triển Việt Nam, Lào, Campuchia mang chủ đề “3 quốc gia, 1 điểm đến” vào chiều 11/9. Với 17 đơn vị tham gia, trong đó có 2 tỉnh Nam Lào là Attapeu và Champasack, triển lãm nhằm giới thiệu tiềm năng, lợi thế và nét hấp dẫn của du lịch các tỉnh, thành. Bên cạnh đó, sáng 12/9 sẽ diễn ra hội thảo quốc tế liên kết phát triển du lịch Bình Thuận nhằm tháo gỡ khó khăn và tìm ra các giải pháp trong việc liên kết, hình thành những vùng du lịch hấp dẫn du khách. Chiều cùng ngày, hội nghị xúc tiến và đối thoại với các nhà đầu tư cũng sẽ được tổ chức với sự tham gia của trên 200 đại biểu, trong đó có các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Dự kiến, tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận sẽ ký thỏa thuận đầu tư cho 7 dự án du lịch trên địa bàn tỉnh.
Với tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, sau hai mươi năm hình thành và phát triển (1995 – 2015), du lịch Bình Thuận đã đạt được những kết quả khả quan với những chuyển biến mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 393 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư, trong đó có bốn dự án lớn đang được Bình Thuận đặt kế hoạch đưa vào khai thác trong giai đoạn 2015-2020, gồm khu tổ hợp thương mại dịch vụ cao cấp Hàm Tiến - Mũi Né, khu du lịch cao cấp Hòn Rơm - Mũi Né, khu du lịch suối khoáng nóng Tà Cú - Bưng Thị và khu du lịch Hàm Thuận - Đa Mi. Tỉnh cũng khuyến khích xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp với các dịch vụ giải trí, thể thao như casino, du thuyền, sân gôn; xây khu du lịch điều dưỡng chữa bệnh suối khoáng nóng kết hợp dịch vụ spa, du lịch thể thao biển, thể thao trên đồi cát… Các sản phẩm, dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh ngày càng phong phú, hấp dẫn với 290 cơ sở lưu trú du lịch cùng hơn 500 căn hộ, biệt thự, phục vụ nhu cầu lưu trú, nghỉ dưỡng của du khách. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ thể thao giải trí và các loại hình dịch vụ bổ trợ phát triển nhanh, đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng du khách. Nhờ đó, trong những năm qua, lượng khách du lịch đến Bình Thuận tăng trưởng ổn định, từ năm 2011 đến nay tăng trưởng bình quân 12,17%/năm, riêng khách quốc tế tăng bình quân 15,38%/năm; doanh thu từ du lịch có mức tăng trưởng khá cao, từ năm 2011 đến nay tăng trưởng bình quân 29,22%/năm. Năm 2015, dự kiến, du lịch Bình Thuận sẽ đón khoảng 4,5 triệu lượt khách, trong đó có ít nhất khoảng 500.000 lượt khách quốc tế. |