Non nước Việt Nam

Phong phú quà quê Nam Định

Cập nhật: 14/11/2008 09:42:40
Số lần đọc: 2407
Có dịp đến Nam Định, du khách sẽ tiếp cận với hàng chục “thương hiệu” nổi tiếng gần xa của địa phương này như nem nắm Nam Định, nem thính Giao Thủy, mắm cáy Hoành Nha, vải thiều Vụ Bản... Có hai mặt hàng mà khách du lịch đến đây ít chịu bỏ qua là sơn mài Cát Đằng và Kẹo sìu châu Nguyên Hương được bày bán khá nhiều ở thành phố Nam Định, giá cả dễ mua lại phù hợp với nhiều đối tượng.

Tương truyền, nghề sơn mài làng Cát Đằng (xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, Nam Định) được bắt nguồn từ thế kỷ thứ 11, do hai quan thời Đinh là Ngô Dũng và Đinh Ba sáng lập. Sơn mài Cát Đằng nổi tiếng bởi chất lượng tốt, giá trị nghệ thuật cao và nguyên liệu độc đáo, khách có thể mua được những lọ hoa, bức tranh sơn mài làm từ nứa.

Để có một sản phẩm sơn mài làm từ nứa, những nghệ nhân làm sơn mài phải thực hiện một quá trình khá công phu. Người ta chọn nứa không quá non cũng không quá già, ngâm trong nước từ 3 đến 6 tháng để chống mối mọt, sau đó mới vớt lên chẻ nan, vót và đánh bóng. Nan được uốn theo khuôn, quét lên một lớp keo để bít hết các kẽ hở rồi đem mài cho đến khi nhẵn bóng. Cuối cùng là phun sơn và trang trí các loại hoa văn.

Các sản phẩm sơn mài của Cát Đằng khá đa đạng: từ bức tranh có cảnh đồng quê đến người thiếu nữ Việt Nam và các bộ tứ linh, tứ quý hay một chiếc hộp, một bình hoa xinh xắn, sẵn sàng chờ khách mua làm quà lưu niệm của chuyến đi.

Kẹo sìu châu Nguyên Hương là một loại kẹo lạc (đậu phộng) hoặc kẹo vừng, vừng pha lạc. Loại kẹo này nổi tiếng bởi vị bùi, giòn, thơm của đậu phộng rang chín, vị ngọt của đường quyện với mạch nha làm từ gạo nếp hương và mộng mạ.

Kẹo Sìu Châu Nguyên Hương có sắc nâu hồng và trong như hổ phách, cắn một miếng nghe tiếng rôm rốp giòn tan. Thưởng thức kẹo và uống với nước chè xanh thì rất thú vị.

Một đặc điểm nữa khiến kẹo Sìu Châu Nguyên Hương được ưa chuộng là để được lâu kẹo không bị ỉu hay hôi dầu. Bí quyết để làm nên món quà nổi tiếng này là do tay nghề và kinh nghiệm của người làm ước lượng chính xác tỷ lệ lượng đường, lạc, mạch nha cho mỗi mẻ kẹo. Sau khi hoàn thành, người ta còn cho kẹo vào chum đựng bột nếp để làm “áo” để giữ cho kẹo giòn lâu, làm cho kẹo hút hương thơm của nếp. 

Nguồn: website báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT