Tham quan Hành cung Vũ Lâm – Ninh Bình
Sau cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ nhất, năm 1258, Trần Thái Tông là vị vua đầu tiên của Vương triều Trần đã nhường ngôi cho con và lui về làm Thượng Hoàng khi tuổi vừa tròn 40, một độ tuổi sung mãn nhất của cuộc đời. Ngài là người ưa Thần Phật, sùng Tiên Thánh, thích đi vân du để tìm vẻ đẹp của giang sơn đất nước, tìm nơi tĩnh lặng để tu thiền. Trên con đường phi mã thiên lý bắc - nam, khi đi qua đất Tràng An - Ninh Bình, nhìn về phía tây, ngài thấy dải Phi Vân Sơn hùng vĩ, núi đẹp tựa như những áng mây bay, ngọn nối ngọn trùng ngôi, phía dưới là sông ngòi uốn khúc, có nước bạc lấp lánh, phía trong có nham động, lại có các hang xuyên thủy nối liền. Thượng Hoàng đã cùng các thị thần xuống thuyền, lênh đênh trên sông nước thưởng ngoạn cảnh sơn thủy hữu tình. Say đắm cảnh nước lạ, núi đẹp, ngài đã sai người đẵn gỗ, dựng am, tô tượng thờ Phật để tu hành, mở đầu cho việc xây dựng Hành cung Vũ Lâm.
Cũng ngay thời điểm đó, Thượng Hoàng Trần Thái Tông đã nhận ra địa thế hiểm yếu của khu vực rừng núi Ninh Bình với hệ thống sông ngòi dày đặc liên thông với khu vực hành cung Thiên Trường - Nam Định. Hơn thế, với hệ thống núi đá vôi dày đặc, rừng cây rậm rạp dễ phòng thủ, khó tiến công, nơi này rõ ràng là một nơi đắc địa để xây dựng một căn cứ phòng thủ lâu dài, có thể dễ dàng rút quân từ Thăng Long và Thiên Trường về đây theo đường sông trong trường hợp bị truy kích. Địa thế hiểm trở với sông nước có thể dễ dàng khóa chân vó ngựa quân Nguyên Mông vốn chỉ quen chinh chiến trên những vùng thảo nguyên rộng lớn. Với tầm nhìn ấy của Thái Thượng Hoàng Trần Thái Tông, Hành cung Vũ Lâm đã không chỉ là nơi tu thiền mà còn là căn cứ địa vững chắc của quân dân thời Trần, có thể tiến hành chiến đấu trong thời gian dài.
Theo lời tấu trình của danh sĩ Trương Hán Siêu, một môn khách của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, là người Ninh Bình và có học vấn uyên thâm thời đó, các vua triều Trần đã cho chiêu mộ dân lưu tán, lập ấp, khai khẩn ruộng hoang và tiến hành sản xuất nông nghiệp, tích trữ lương thực, tôn tạo những nơi xung yếu của khu căn cứ dự bị chiến lược này, góp phần làm nên chiến thắng quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ hai và thứ ba, quét sạch bóng dáng quân giặc ra khỏi bờ cõi Đại Việt.
Cũng trong thời gian này, các vua triều Trần còn cho xây dựng nhiều các công trình tôn giáo tại đây như chùa A Nậu, chùa Khai Phúc... Hành cung Vũ Lâm cũng là nơi xuất gia tu hành đầu tiên của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, thời gian vào khoảng tháng 7 năm Giáp Ngọ 1294, trước khi ngài lên Yên Tử lập ra Thiền phái Trúc Lâm, dòng Thiền mang đậm bản sắc Việt Nam.
Ngày nay, đến với Quần thể danh thắng Tràng An, du khách sẽ được ngồi trên các con thuyền truyền thống do chính người dân địa phương chèo lái, trải nghiệm sự gắn kết gần gũi với thiên nhiên, cảm nhận vẻ đẹp thuần khiết, lộng lẫy của hang kỳ, đá lạ và trở về nét vàng son của lịch sử dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước./.