Hoạt động của ngành

Di tích lịch sử, văn hóa ở Đà Nẵng đưa vào tour du lịch

Cập nhật: 02/12/2015 08:32:59
Số lần đọc: 2871
Đà Nẵng có khá nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia và thành phố, mang nhiều giá trị lịch sử to lớn. Tuy nhiên các sản phẩm du lịch liên quan đến những di tích này vẫn còn rất hạn chế. Đã đến lúc cần có các giải pháp cụ thể để vừa phát triển du lịch vừa góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của các điểm đến lịch sử hiệu quả nhất.

Còn nhiều hạn chế

Theo số liệu từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) thành phố, hiện Đà Nẵng có 18 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 47 di tích xếp hạng cấp thành phố.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, chỉ có một số di tích như danh thắng Ngũ Hành Sơn, đình làng Túy Loan… trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo, được các đơn vị lữ hành đưa vào các tour, tuyến du lịch, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.

Thống kê 10 tháng đầu năm 2015, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn đón khoảng 764.885 lượt khách, trong đó khách nước ngoài khoảng 257.837 lượt người, vượt 24% kế hoạch năm và tăng 34,8% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, một số di tích khác ở trung tâm thành phố như đình làng Hải Châu, nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu, Nghĩa trủng Phước Ninh… hay Thành Điện Hải, lượng khách biết và tìm đến tham quan còn rất hạn chế, hầu như chưa được đưa vào các tour tuyến của các đơn vị khai thác lữ hành.

Một trong những lý do là Đà Nẵng nằm giữa các trung tâm di sản lớn được UNESCO công nhận là di sản thế giới với sức hút và tầm ảnh hưởng rất lớn đối với du khách; công tác khai thác phục vụ du lịch tại các điểm di tích này còn hạn chế, sức hấp dẫn của di tích, nhu cầu và mức độ quan tâm của du khách chưa cao; bản thân các di tích của Đà Nẵng chưa đủ độ thu hút và hấp dẫn để so sánh và cạnh tranh với các điểm lân cận.

Anh Đinh Viết Văn Hải, Phó Chủ nhiệm CLB Hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng cho rằng, những điểm đến là di tích lịch sử như đình làng Túy Loan, đình làng Hải Châu hay di tích K20 mang rất nhiều giá trị văn hóa, lịch sử.

Tuy nhiên, việc hình thành tour tuyến, hay giới thiệu đưa khách đến những điểm này vẫn còn rất nhiều hạn chế do các di tích này không là điểm đến trong các chương trình tour của các đơn vị lữ hành.

Theo đại diện một đơn vị lữ hành, khách du lịch đến Đà Nẵng vẫn chủ yếu là khách trong nước, quỹ thời gian lưu lại đây không nhiều, các điểm đến lớn như Bà Nà, Ngũ Hành Sơn, Huế, Hội An, Mỹ Sơn… luôn được ưu tiên hàng đầu, chiếm gần hết thời gian của khách.

Mặt khác, các điểm đến là di tích lịch sử, văn hóa này không có chỗ đậu đỗ xe đưa đón, thiếu vắng các dịch vụ kèm theo nên cũng bất tiện cho khách, vì vậy ít được đưa vào các chương trình tour.

Hình thành các sản phẩm du lịch có chất lượng

Được biết, hằng năm UBND thành phố Đà Nẵng đều có nguồn kinh phí hỗ trợ việc trùng tu, tôn tạo di tích.

Tuy nhiên, những kết quả đạt được chưa thực sự như mong muốn. Anh Đinh Viết Văn Hải đề xuất, những điểm đến này rất phù hợp với các chương trình tour trong ngày (city tour), nhưng trước tiên những người làm lữ hành phải biết hết các di tích của Đà Nẵng, thiết kế tour đưa khách đến những điểm này.

Để làm được điều đó, ngành du lịch nên mở những chuyến khảo sát cho những người làm thiết kế tour của các đơn vị lữ hành để họ biết được những điểm đến để tư vấn được cho khách.

Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: “Sở đang phối hợp với các công ty lữ hành tiến hành khảo sát, xúc tiến đưa các di tích lịch sử như di tích K20, di tích chăm Phong Lệ, Nghĩa trủng Khuê Trung… vào các chương trình phục vụ du khách, trở thành điểm đến trong hoạt động du lịch, nhất là phát triển du lịch đường sông. Đây cũng là ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo thành phố để phát huy giá trị của các điểm đến, đặc biệt là các di tích lịch sử văn hóa của thành phố để tạo thêm các sản phẩm du lịch hấp dẫn phục vụ du khách.”/.

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Cùng chuyên mục