Hoạt động của ngành

Đồng Tháp: Đề nghị đưa Làng hoa kiểng Sa Đéc và Nghề dệt choàng vào Danh mục DSVHPVT Quốc gia

Cập nhật: 02/12/2015 16:20:28
Số lần đọc: 1270
Sở VHTTDL tỉnh Đồng Tháp vừa có Tờ trình gửi UBND tỉnh Đồng Tháp xem xét, đề nghị Bộ VHTTDL đưa Làng hoa kiểng Sa Đéc và Nghề dệt choàng vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Làng hoa kiểng Sa Đéc nằm bên bờ nam sông Tiền. Nơi đây là xứ sở của nhiều loại cây cảnh quý hiếm, có tuổi thọ hàng trăm năm. Sản phẩm hoa, cây cảnh của Sa Đéc hiện đang cung cấp cho các tỉnh ĐBSCL, TP.HCM, các tỉnh miền Trung, thị trường Campuchia và đang hướng đến những thị trường xuất khẩu khác. Trong mấy năm gần đây, diện tích trồng hoa kiểng ở Sa Đéc ngày tăng nhanh, hiện nay đã lên đến 177 ha, sản lượng trên 10 triệu chậu các loại, bình quân mỗi năm tăng 10 ha.

Làng nghề dệt choàng ấp Long Tả, xã Long Khánh A (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) ra đời vào những năm đầu thế kỷ XX. Hiện nay, làng nghề có hơn 50 hộ với 120 khung dệt đang hoạt động, chủ yếu dệt khăn choàng và vải mùng với nhiều kích thước, chủng loại, màu sắc, hoa văn khác nhau. Mỗi ngày 120 khung dệt có thể tạo ra hơn 4.000 cái khăn choàng và 1.000 mét vải mùng. Sản phẩm được tiêu thụ rất nhiều nơi như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Vương quốc Campuchia cho các điểm tham quan, mua sắm, du lịch.

Liên quan đến việc đề nghị công nhận thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể này, có thể nói rằng trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỉnh đã thực hiện được 9 dự án về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội Gò Tháp, lễ hội Đền thờ Trần Văn Năng, nghề dệt chiếu ở Định Yên, nghiên cứu bảo tồn điệu hò Đồng Tháp... Ngoài ra còn thực hiện chương trình bảo tồn văn hóa phi vật thể về đờn ca tài tử; bảo tồn và duy trì hoạt động thường xuyên 123 lễ hội truyền thống, 38 loại hình trò chơi dân gian và 44 làng nghề truyền thống. Hiện nay, tỉnh đang có chủ trương tiếp tục sưu tầm, kiểm kê các giá trị văn hóa phi vật thể như giai thoại truyền khẩu, tên gọi sông rạch, cầu đường, địa danh làng ấp, chuyện dân gian,... làm cho hoạt động văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh ngày càng đa dạng và phong phú./.

Nguồn: Cinet.vn

Cùng chuyên mục