Ẩm thực bốn mùa ở vùng quê Thanh Thủy (Phú Thọ)
Cơ sở sản xuất tương Triệu Xoan - Phú Thọ
Về mùa Xuân, ngoài các loại rau "phổ thông" như: Xu hào, bắp cải... được trồng rải rác trong các làng xã, người dân ở đây còn trồng ngải cứu và bồng bồng là hai thứ rau đặc sản vừa là thức ăn vừa là vị thuốc rất bổ dưỡng. Mùa Xuân tiết trời ấm áp, mưa bay lất phất là mùa bồng bồng trổ hoa và rau ngải cứu lên xanh non mơn mởn. Ngải cứu hái về vò nục, cùng với gạo nếp, đậu xanh và các thứ gia vị gừng, hạt tiêu, mộc nhĩ, nấm hương, vài vị thuốc bắc cho vào bụng gà đã mổ sạch đun cách thủy, vừa là thang thuốc đại bổ vừa là món ăn sang trọng, hấp dẫn rất phù hợp với khẩu vị của nhiều người. Còn bồng bồng lấy những chùm hoa chưa nở, nụ to căng tròn, đem về cắt ra từng đoạn, rửa sạch. Tôm càng tươi giã nhỏ, lọc lấy nước. Bồng bồng đem sào tái cho ngấm đều gia vị (muối, mỡ, tương, ớt, hành) rồi đổ nước tôm đã lọc vào đậy vung đun sủi lên là được. Bồng bồng nấu với tôm cho ta một loại canh có vị ngọt thanh, thơm mát, ăn với cơm gạo quê rất ngon miệng, để lại một ấn tượng khó quên cho người thưởng thức. Bởi vậy dân ca mới có câu:
“Bồng bồng mà nấu canh tôm
Ăn vào mát ruột chiều hôm lại bồng”
Vào hè, tiết trời oi ả, không khí nóng bức, đến với Thanh Thủy, du khách được thưởng thức nhiều món ăn khá lạ lẫm, hấp dẫn như: canh rau tập tàng (gồm nhiều loại rau nấu chung: rau rền cơm, rau sam, rau má, rau rệu...) rồi canh khoai cá chuối, rau ngót cá rô, canh rau muống dầm dọc, bún rươu cua, ốc nướng, lươn sào, chả cá... mỗi thứ một hương vị riêng, thưởng thức một lần là nhớ mãi.
Sang thu mát mẻ, cây trái sum suê là mùa thu hoạch của các loại trám, măng, nguồn thực phẩm mang tính đặc sản của người dân trong vùng. Trám có hai loại là trám đen và trám chua. Trám đen đem ỏm chín, chấm với muối vừng ăn vừa bùi vừa béo ngậy, là món rất khoái khẩu, nhâm nhi trong các bữa tiệc bia, rượu. Còn trám chua và măng nứa, măng giang là hai thứ dùng kho cá ăn cơm rất ngon miệng.
Mùa Đông tới, tiết trời giá lạnh, là mùa thu hoạch thủy sản, ở Thanh Thủy có rất nhiều loại tôm, cá rất quý hiếm. Ngoài sông có cá chiên, ngạnh, trạch trấu, tép bống, ba ba... trong đồng có trắm đen, chim trắng, chuối, chê, tôm càng sanh... những loại thủy sản trên có thể chế biến ra thành vô số những món ăn hấp dẫn như: om, nướng, rán, kho, chả, luộc, hấp, thính, gỏi, lẩu... Đặc biệt món lẩu cá hiện nay đang được nhiều người ưa thích nhất. Cá nấu lẩu ngon nhất là cá chuối (còn gọi là cá quả hay cá lóc) và cá trắm đen. Những ngày lạnh giá, sau giờ làm việc mệt nhọc, hoặc đi xa lâu ngày gặp nhau anh em bè bạn ngồi quây quần bên nồi lẩu cá hơi bay nghi ngút mà lai rai với mấy ly rượu quê thì thật ấm áp, thú vị.
Ngoài những món ăn dân dã phổ biến trong khắp các làng quê, ở Thanh Thủy, một số làng xã còn có những thứ đặc sản nổi tiếng đã thành câu ca truyền khắp cả vùng như: “Chè Mai Miếu, điếu Sơn Vi, rượu Hạ Bì, tương làng Bợ”. Đồng bào dân tộc Mường hai xã Yến Mao và Phượng Mao còn có đặc điểm sinh hoạt: “Cơm lam, nhà gác, nước vác, lợn thui”... Hiện nay nhiều đầu bếp trong các nhà hàng, quán ăn ở trung tâm phố huyện đã khéo léo chế biến các sản phẩm tự có của địa phương thành các món ăn đặc sản cao cấp phục vụ cả bốn mùa như: “Dê núi đá, cá sông Đà, gà đồi sỏi”, rồi lẩu cá, bò, dê, gà tần, lợn lửng, chim quay, cầy bẩy món... Ăn xong còn có các loại hoa quả, bánh tráng miệng ngon nổi tiếng như chuối tiêu, chuối nhật, chuối mắn vùng đồi, táo Đào Vàng, bánh nẳng làng Đào, bánh gai làng Vũ. Còn đồ uống sau khi ăn có nước chè xanh Mai Miếu, trà móc câu Đào Xá, nước lá vối, nhân trần, đỏ ngọn... toàn là những thứ uống vào có tác dụng sạch miệng, tiêu cơm, ăn ngon, ngủ tốt.
Không chỉ sản xuất và chế biến ra các món ăn ngon mà người dân Thanh Thủy còn khéo bày cỗ theo những cách thức khác nhau trông rất thịnh soạn, hấp dẫn như: cỗ cơm canh (cỗ mặn), cỗ thờ, gà ván, bánh chay, ngũ quả... Làng Đào thuộc xã Đào Xá, hội làng năm nào vào 28 tháng Giêng Âm lịch cũng tổ chức thi nấu cơm, làm cỗ thờ và bày biện mâm ngũ quả; làng Chòm, Hữu Khánh xã Tân Phương có tục làm cỗ gà ván và cỗ bánh chay để cầu đinh và tế thần Tản Viên Sơn vào ngày mồng 7 tháng giêng và 10 tháng 3 Âm lịch được du khách nhiều nơi đến xem và ngưỡng mộ đã trở thành nét đẹp văn hoá ẩm thực tiêu biểu trong huyện.
Hiện nay, huyện Thanh Thủy đang có nhiều biện pháp khuyến khích phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch để nâng cao đời sống nhân dân về mọi mặt. Các nhà đầu tư về kinh doanh văn hóa ẩm thực trong huyện đang có điều kiện mở mang phát triển ngành nghề, phấn đấu để ngành văn hóa ẩm thực Thanh Thủy sớm trở thành một trong những nét hấp dẫn thu hút du khách khi hành hương về đất Tổ./.