Hoạt động của ngành

Lễ hội Đền Hát Môn (Hà Nội) đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Cập nhật: 13/04/2016 10:36:25
Số lần đọc: 989
Ngày 12/4 (tức mùng 6/3 âm lịch), huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội tổ chức Lễ hội truyền thống Đền Hát Môn năm 2016, kỷ niệm 1976 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.


Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý trao Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho Lễ hội Đền Hát Môn  - Ảnh: PC

Đền Hát Môn (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ) là ngôi đền thờ Hai Bà Trưng, những người đã có công dấy binh khởi nghĩa diệt quân Đông Hán xâm lược vào năm 40. Đền có kiến trúc bề thế, cảnh quan đẹp, hệ thống hiện vật phong phú về chủng loại và đa dạng về chất liệu, trong đó, nổi bật là bộ sắc phong thần 22 đạo có niên đại từ thời Lê, Tây Sơn đến thời Nguyễn. Năm 2013, Đền Hát Môn đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Lễ hội Đền Hát Môn, được tổ chức từ mùng 4 đến mùng 6 tháng Ba âm lịch hàng năm, nhằm tưởng nhớ công lao của Hai Bà Trưng, trong đó, điểm nhấn là nghi thức rước bánh trôi vào Đền dâng lên Hai Bà. Nghi thức rước, dâng cúng Hai Bà và tiệc bánh trôi đều mang đậm yếu tố tâm linh, trở thành nét đẹp riêng, đặc sắc ở lễ hội Đền Hát Môn.

Năm 2016, lễ hội truyền thống Đền Hát Môn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

UBND TP Hà Nội ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân xã Hát Môn nói riêng, huyện Phúc Thọ nói chung trong việc gìn giữ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử văn hóa truyền thống.

Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý đề nghị, huyện Phúc Thọ tập trung triển khai thực hiện dự án mở rộng, chỉnh trang Đền Hát Môn và giữ nguyên các giá trị gốc của di tích để khu di tích xứng tầm với công lao to lớn của Hai Bà Trưng; tăng cường quản lý, bảo tồn có chọn lọc các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đặc sắc trong lễ hội truyền thống Đền Hát Môn.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về di tích lịch sử, giá trị văn hóa của lễ hội Đền Hát Môn. Đền Hát Môn phải là nơi diễn ra các giờ học ngoài nhà trường về lịch sử của học sinh, sinh viên Thủ đô, trước hết là học sinh huyện Phúc Thọ. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng hoạt động du lịch theo mô hình du lịch tâm linh, du lịch sinh thái của khu vực xứ Đoài.…/.

Nguồn: ĐCSVN

Cùng chuyên mục