Hội thảo ''Xúc tiến đầu tư vào các tỉnh duyên hải miền Trung lĩnh vực Văn hóa, Thể thao & Du lịch''
Chúng tôi xin trích đăng một số phát biểu, tham luận tại Hội thảo.
Duyên hải miền Trung: Những điểm đến đầu tư hấp dẫn!
TS. Nguyễn Thị Bích Vân
Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Việt Nam – với điều kiện chính trị xã hội ổn định, vị trí địa lý và giao thương thuận lợi, nguồn tài nguyên thiên nhiên và con người dồi dào và tiềm năng thị trường lớn đã và đang được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là một địa điểm đầu tư dài hạn đầy triển vọng. Đến nay, sau hơn 20 năm mở cửa đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam đã thu hút hơn 9.600 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký gần 144,5 tỷ USD từ hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, những kỷ lục mới về thu hút FDI của Việt Nam đã liên tiếp được thiết lập trong vài năm trở lại đây, với vốn FDI đăng ký của các năm 2006, 2007 và của riêng 11 tháng của năm 2008 lần lượt đạt các mức trên 10 tỷ, 21 tỷ và 60 tỷ USD.
VH, TT & DL là những lĩnh vực có tiềm năng thị trường lớn (còn chưa được khai thác) và đang ngày càng được rộng mở cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tính đến cuối tháng 11/2008, lĩnh vực dịch vụ đã thu hút được 2.446 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 55,5 tỷ USD, chiếm gần 39 % so với tổng vốn đầu tư đăng ký cả nước. Riêng đầu tư trong lĩnh vực VH, TT & DL (chủ yếu là du lịch - khách sạn, văn hóa, thể thao rất ít) là 251 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 15 tỷ USD, chiếm trên 27 % so với tổng vốn đầu tư đăng ký khối dịch vụ.
Tiềm năng thu hút đầu tư lĩnh vực VH, TT & DL của khu vực duyên hải miền Trung vô cùng to lớn. Khu vực được thiên nhiên ưu đãi với đường bờ biển dài, nhiều danh lam thắng cảnh, những hang động kỳ thú, bãi biển, rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh thái nổi tiếng như Phong Nha-Kẻ Bàng, Bạch Mã, Bà Nà, Mỹ Khê, Lăng Cô, Non Nước, Sa Huỳnh, vịnh Nha Trang, Mũi Né….. Đặc biệt, miền đất này còn sở hữu một kho tàng văn hoá các dân tộc phong phú, đa dạng.
Những năm gần đây, miền Trung đã nỗ lực khai thác các tiềm năng về để phát triển du lịch và văn hoá. Hàng năm, một số địa phương (Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Nha Trang, Phan Thiết) đón khoảng 1 triệu lượt khách quốc tế; tốc độ tăng bình quân 17%/năm, trong đó khách quốc tế tăng gần 28%. Doanh thu tăng khoảng 15%/năm. Điều đáng chú ý là, cơ cấu đầu tư cho du lịch đã chuyển dần từ khách sạn, nhà nghỉ thấp cấp sang những khu du lịch cao cấp, tập trung đầu tư xây dựng các tuyến, điểm du lịch, tôn tạo các danh lam thắng cảnh…, tạo ra những sản phẩm mới ngày càng hấp dẫn du khách. Đặc biệt, nhiều dự án FDI đã hoàn thành và đưa vào khai thác có hiệu quả, như khu nghỉ dưỡng cao cấp Furama (Đà Nẵng), The Nam Hải (Quảng Nam)…
Trong những năm qua, chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động lĩnh vực văn hóa và thể thao, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu đãi đối với đầu tư trong lĩnh vực này. Các chính sách này đã được cụ thể hóa trong Luật đầu tư và Nghị quyết số 05/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/4/2005 về việc đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao
Với những lợi thế so sánh về vị trí địa lý, văn hóa và các nguồn lực tự nhiên khác cùng với những chính sách thu hút đầu tư đúng đắn, tôi tin tưởng rằng trong tương lai không xa, khu vực các tỉnh duyên hải Miền Trung sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tăng cường liên kết, thu hút và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư
Hồ Việt Hà- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch
Địa bàn các tỉnh ven biển miền trung (từ Thanh Hoá tới Bình Thuận- gọi tắt là các tỉnh Miền trung) là khu vực đầy tiềm năng phát triển VH, TT & DL. Để khai thác lợi thế này, việc thu hút và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư trong và ngoài nước vào các dự án phát triển là nhiệm vụ tiên quyết của ngành VH, TT & DL cũng như của các tỉnh miền Trung. Để thực hiện mục tiêu đó, việc tăng cường liên kết giữa ngành và lãnh thổ đóng vai trò rất quan trọng.
1. Tăng cường liên kết với các ngành, địa phương xúc tiến, thu hút đầu tư theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển:
Việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực VH, TT & DL trên địa bàn Miền trung cần được thống nhất về danh mục dự án kêu gọi đầu tư và những chính sách về thu hút đầu tư ở tầm quốc gia; khai thác lợi thế về đầu tư trên mỗi tỉnh, thành sao cho phù hợp. Theo đó, Bộ VH, TT & DL sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư và UBND các tỉnh, thành căn cứ vào chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển của 3 lĩnh vực nêu trên để xây dựng danh mục dự án. Đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu đầu tư và tạo chủ động cho các nhà đầu tư tiếp cận các dự án đầu tư. Danh mục kêu gọi đầu tư sẽ được bổ sung, cập nhật cho phù hợp với yêu cầu phát triển của các tỉnh trên địa bàn cho từng giai đoạn. Đồng thời, chính sách thu hút đầu tư cũng được bổ sung kịp thời, hệ thống để các nhà đầu tư hiểu rõ chính sách của nhà nước cũng như những khuyến khích theo đặc thù của mỗi địa phương.
2. Tạo môi trường liên kết giữa các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành:
Nhằm tăng cường liên kết xúc tiến đầu tư, Bộ VH, TT & DL tạo điều kiện để các tỉnh, thành có cơ hội liên kết, trao đổi về các cơ hội đầu tư, học tập rút kinh nghiệm trong xúc tiến đầu tư... đảm bảo môi trường thu hút đầu tư lành mạnh trên địa bàn. Bao gồm:
- Các hội thảo về đầu tư theo từng chủ đề, lĩnh vực của toàn bộ các tỉnh, thành phố hoặc từng tỉnh, thành.
- Tạo mối liên kết, chia sẻ thông tin các trang web của Bộ VH, TT & DL, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, các tỉnh, thành phố về thu hút đầu tư.
- Xây dựng cơ chế linh hoạt, liên kết giữa Bộ VH, TT & DL, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và các tỉnh, thành trong việc tiếp cận, tranh thủ cơ hội đầu tư.
3. Điều phối, liên kết và đa dạng hoá hoạt động xúc tiến:
Cần tăng cường liên kết, điều phối để hoạt động xúc tiến đầu tư đạt hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với yêu cầu hội nhập. Các hoạt động cần tập trung liên kết gồm:
- Tham gia vào các đoàn xúc tiến đầu tư ra nước ngoài do Bộ Kế hoạch - Đầu tư hay Bộ VH, TT & DL chủ trì tổ chức.
- Một số tỉnh, thành liên kết hoặc từng tỉnh, thành phố tổ chức đoàn xúc tiến du lịch ra nước ngoài theo chương trình được chia sẻ giữa các tỉnh, thành.
- Xây dựng ấn phẩm quảng bá, xúc tiến du lịch.
- Mời các nhà đầu tư nước ngoài vào các tỉnh, thành trên điạ bàn theo từng chuyên đề, lĩnh vực..
- Tổ chức các sự kiện về VH, TT & DL để thu hút đầu tư.
4- Quản lý, sử dụng vốn đầu tư hiệu quả:
Nhằm sử dụng hiệu quả vốn đầu tư cũng như tạo điều kiện thuận lợi, lòng tin cho các nhà đầu tư khi triển khai dự án, công tác quản lý đầu tư phải được quan tâm. Theo đó, tập trung:
- Tổ chức hệ thống thông tin rõ ràng, thuận lợi từ Bộ VH, TT & DL, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tới các tỉnh, thành để các nhà đầu tư chủ động tiếp cận chính sách đầu tư; hỏi đáp về các thủ tục, quyền và nghĩa vụ của các nhà đầu tư khi đăng ký và triển khai dự án.
- Tăng cường cải cách hành chính trong khâu quản lý dự án đầu tư
- Tăng cường liên kết trong công tác kiểm tra, giám sát việc đăng ký và triển khai các dự án đầu tư theo Luật định liên quan của Nhà nước Việt Nam, đảm bảo việc đầu tư đúng quy hoạch, kế hoạch; đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các nhà đầu tư.
-----------------------------
Những kiến nghị:
1 - Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư: tạo điều kiện, tăng cường liên kết giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ văn hoá, Thể thao và Du lịch và UBND các tỉnh, thành phó trong công tác xúc tiến, quản lý dự án đầu tư. Trong đó:
- Tăng cường sự liên kết trong việc thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư (do Bộ KH & ĐT chủ trì) và chương trình xúc tiến du lịch (do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì).
- Chủ trì, thống nhất hệ thống theo dõi, cập nhật về tình hình xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch, tạo cơ chế linh hoạt trong chia xẻ thông tin giữa các Bộ, địa phương về các lĩnh vực này.
- Phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các UBND các tỉnh trong việc kiểm tra, giám sát tình hình xúc tiến, thực hiện các dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch.
- Tăng cường công tác tập huấn, đào tạo cho các tỉnh, thành phố về công tác xúc tiến và quản lý các dự án đầu tư.
2- Đối với các UBND tỉnh, thành phố
- Xây dựng cơ chế liên kết, chủ động giữa Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Sở Kế hoạch và Đầu tư, các trung tâm xúc tiến đầu tư, du lịch trong việc xúc tiến, thu hút và quản lý các dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch.
- Chia xẻ thông tin về tình hình xúc tiến, quản lý dự án đầu tư với Bộ Văn hoá, thể thao và Du lịch, Bộ Ké hoạch và Đầu tư vá các tỉnh,thành phố trên địa bàn.
- Tăng cường sự phối hợp (chủ trì hoặc tham gia) trong việc tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch.