Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai – Phấn đấu trở thành trung tâm du lịch của cả nước
PV: Ông đánh giá thế nào về tiềm năng du lịch của 3 tỉnh Phú Thọ, Lào Cai và Yên Bái?
Ông Vũ Thế Bình: Phú Thọ là nơi có nhiều tiềm năng và điều kiện phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử mà tâm điểm là Khu di tích lịch Đền Hùng. Các làng cổ ven đền Hùng cũng là những địa danh hấp dẫn để có thể phát triển các sản phẩm du lịch nhờ các lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc và lối sống của người dân địa phương. Bên cạnh đó Phú Thọ còn có tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái.
Yên Bái có rất nhiều tiềm năng về du lịch thiên nhiên và du lịch văn hóa. Tuyến quốc lộ 32 chạy qua hầu hết địa phận tỉnh Yên Bái là tuyến quốc lộ có cảnh quan rất đẹp. Ở đây còn có khu vực ruộng bậc thang Mù Căng Chải mới được công nhận là di tích quốc gia, có Hồ Thác Bà, có tuyến du lịch từ Nghĩa Lộ tới Trạm Tấu rất hấp dẫn.
Còn với Lào Cai, Sa Pa là trọng điểm số 1. Ngoài ra khu Mường Khương, Bắc Hà hay đỉnh Fan Xi Phăng… đều là những địa danh có cảnh quan thiên nhiên đẹp và những chợ văn hóa vùng cao đầy hấp dẫn.
Từ những tiềm năng sẵn có chúng ta phải đầu tư để tìm ra những cái mới, những độc đáo tạo điều kiện để biến những sản phẩm ở dạng tiềm năng thành những sản phẩm cụ thể cho các hãng lữ hành chào bán cho du khách. Điều này sẽ quyết định sự phát triển của du lịch địa phương. Chứ nếu chúng ta chỉ nói rằng các địa phương này giàu tiềm năng nhưng không biết chế biến thì tiềm năng ấy cũng mãi là tiềm năng bởi điều chúng ta quan tâm cuối cùng là thu được gì từ những tiềm năng đó.
Thời gian gần đây 3 tỉnh này đã có chương trình liên kết phát triển du lịch. Là người làm công tác quản lý trong ngành, ông nhận xét thế nào về sự liên kết này?
- Liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, các vùng miền trong nước là một xu hướng mới xuất hiện trong thời gian gần đây. Năm 2004, 3 tỉnh Phú Thọ, Lào Cai và Yên Bái đã đi đầu trong việc ký cam kết hợp tác liên kết phát triển du lịch theo xu hướng này thông qua việc triển khai thực hiện Chương trình du lịch về cội nguồn.
Đây là mô hình liên kết thành công, là mô hình đầu tiên của ngành du lịch. Khi 3 tỉnh đưa ra đề xuất để thiết lập khu vực phát triển chung về du lịch, là nhà quản lý chúng tôi rất vui vì nó tạo ra sức mạnh chung để kết hợp tiềm năng, nguồn lực để khai thác hiệu quả các lợi thế trong phát triển du lịch giữa 3 tỉnh.
Sau 4 năm, chúng ta thấy rằng sự liên kết đó là khá đúng đắn, lượng khách tăng nhiều góp phần tăng nguồn đóng góp vào GDP của tỉnh, thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác, tạo ra việc làm cho người dân địa phương đồng thời thương hiệu của 3 địa phương này đã được hình thành và là bài học cho các địa phương khác học tập. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế là, hiệu quả khai thác giá trị du lịch ở đây còn chưa tương xứng với tiềm năng.
Trong quá trình liên kết phát triển du lịch giữa ba tỉnh trên, vai trò của Tổng cục Du lịch là gì, thưa ông?
- Khi 3 tỉnh xuất hiện Đề án, Tổng cục đã rất ủng hộ. Chúng tôi đã tham gia vào khởi thảo các văn bản liên kết giúp 3 tỉnh, coi đó là mô hình mới hấp dẫn, thúc đẩy sự phát triển du lịch của các địa phương.
Bên cạnh đó, cũng hỗ trợ 3 tỉnh xây dựng sản phẩm mới. Năm nào cũng có 1,2 lần doanh nghiệp, các cơ quan báo chí dưới sự chỉ đạo của Tổng cục đi khảo sát ở các địa phương này để có thể hình thành thêm những sản phẩm du lịch mới.
Tổng cục cũng hỗ trợ trực tiếp cho địa phương xây dựng điểm du lịch văn hóa (các bản làng). Sau 4 năm, chúng tôi đã hỗ trợ gần 10 bản làng và đó là những điểm thu hút khách trong tương lai. Ngoài ra chúng tôi còn có nhiều hoạt động khác như: các hội thảo, hội chợ, các kế hoạch hàng năm của tỉnh luôn luôn được Tổng cục giúp đỡ….
Vậy theo ông đâu là khó khăn khiến các địa phương này gặp phải khi phát triển du lịch?
- Sản phẩm du lịch để chào bán, thu hút khách du lịch còn thiếu đa dạng; tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch tại 3 tỉnh còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng tới nhiều điểm du lịch còn kém. Hoạt động tuyên truyền, quảng bá chưa thường xuyên; đội ngũ nhân lực còn hạn chế; Môi trường, cảnh quan tại nhiều điểm du lịch bị xâm hại. Đó là những khó khăn của cả 3 tỉnh song theo tôi khó khăn lớn nhất ở đây là hạ tầng. Như đợt bão lũ vừa qua thật sự đã làm giảm lòng tin của khách. Chúng ta đã chứng kiến cảnh khách bị mắt kẹt ở Sapa, Lào Cai, Yên Bái do ảnh hưởng của bão lũ. Du lịch không thể chỉ đi 1 đường mà phải mở thêm đường phụ để nếu con đường chính gặp khó khăn, chúng ta có thể đưa khách đi đường phụ. Đối với các tour của khách thường cố định về thời gian đặc biệt là khách nước ngoài thế không thể bắt họ nằm ở đó vài ngày với lý do điều kiện giao thông. Chính vì vậy, 3 tỉnh phải suy tính để có phương án, có giải pháp khắc phục để hạn chế tới mức thấp nhất mức độ ảnh hưởng tới hoạt động du lịch.
Vậy theo ông đâu là những giải pháp mà du lịch ở đây cần phải tập trung?
- Thứ nhất, 3 tỉnh cần tập trung xây dựng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch của địa phương theo hướng tạo ra được các sản phẩm du lịch mới, độc đáo và hấp dẫn khách.
Thứ hai, tăng cường cơ sở vật chất ngành du lịch địa phương: phát triển du lịch nghỉ dưỡng, xây dựng các khách sạn cao cấp.
Thứ ba, cần tiếp tục duy trì và phát triển mối liên kết chặt chẽ trong phát triển du lịch giữa ba địa phương đồng thời tạo các mối liên kết với các tỉnh lân cận khác. Đặc biệt ở đây, phải có sự liên kết về cơ sở hạ tầng. Lào Cai cần quan tâm tới việc đầu tư tuyến đường từ Mường Khương – Bắc sang Xín Mần (Hà Giang) và từ Sapa sang Lai Châu. Yên Bái phải chú trọng hơn tới việc nâng cấp tuyến quốc lộ 3 nối Mù Căng Chải (Yên Bái) với Phú Thọ và đường từ Mù Căng Chải đi Bình Lư.
Thứ tư, là phải có sự chuyển biến mạnh mẽ nhận thức du lịch từ cấp chính quyền, doanh nghiệp, nhân dân. Mỗi tỉnh cần có quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch có tính khả thi, trong đó cần có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ tài nguyên du lịch và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc ở địa phương.
Thứ năm, cần tập trung đào tư đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đào tạo cho người dân cách làm du lịch, đào tạo đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp hơn. Các khách sạn, nhà hàng ở trên này hiện nay còn thiếu tính chuyên nghiệp. Nếu không được quan tâm mãi mãi là du lịch bình dân, khó thu hút khách cao cấp, khó phát triển bền vững.
Các địa phương cũng cần phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện hơn nữa với các công ty lữ hành để nghiên cứu, khảo sát, tìm ra các tài nguyên du lịch mới, hấp dẫn. Có như vậy mới thu hút được khách du lịch tới địa phương lâu dài.
Với những thế mạnh sẵn có, nếu 3 tỉnh giải quyết tốt các yếu tố trên thì đây sẽ trở thành một trung tâm du lịch của cả nước.
Xin cảm ơn ông!