Non nước Việt Nam

Nét độc đáo trong đám cưới người Dao đỏ Viễn Sơn

Cập nhật: 05/05/2016 08:37:13
Số lần đọc: 1850
Lễ cưới của đồng bào Dao đỏ xã Viễn Sơn không có trống, chiêng, khèn rầm rộ như đám cưới của dân tộc Dao ở các địa phương khác nhưng lại rất sâu sắc và ý nghĩa.

Huyện Văn Yên có 27 xã, thị trấn, gồm 11 dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa riêng, đặc sắc. Riêng đồng bào dân tộc Dao đỏ sống tập trung theo dải đất qua dãy núi Con Voi và dòng sông Hồng sang các xã phía Tây của huyện như: Phong Dụ, Xuân Tầm, Viễn Sơn, Đại Sơn, Mỏ Vàng. Trong đó, lễ cưới của người Dao đỏ ở Viễn Sơn hết sức độc đáo và mang ý nghĩa sâu sắc.

Huyện Văn Yên có 27 xã, thị trấn, gồm 11 dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa riêng, đặc sắc. Riêng đồng bào dân tộc Dao đỏ sống tập trung theo dải đất qua dãy núi Con Voi và dòng sông Hồng sang các xã phía Tây của huyện như: Phong Dụ, Xuân Tầm, Viễn Sơn, Đại Sơn, Mỏ Vàng. Trong đó, lễ cưới của người Dao đỏ ở Viễn Sơn hết sức độc đáo và mang ý nghĩa sâu sắc.

Trong đám cưới của người Dao đỏ ở Viễn Sơn, hầu hết phụ nữ đều diện trang phục truyền thống đến dự lễ cưới và giúp việc cho gia đình. Trong lễ cưới, cô dâu nổi bật với trang phục gồm khăn, mũ trùm kín đầu có đính nhiều tua chỉ màu sắc sặc sỡ và những đường thêu hoa văn thổ cẩm tinh xảo. Trên trang phục của cô dâu, nhất thiết phải có bạc và nhiều màu sắc như: màu đỏ thể hiện ánh bình minh rực rỡ, con người luôn hướng về phía mặt trời; màu xanh là của núi rừng, nơi con người sinh sống; màu trắng thể hiện sự trong trắng, thủy chung của người con gái.

Để có được một bộ trang phục truyền thống trong ngày cưới, gia đình cô dâu phải chuẩn bị từ 4 đến 5 tháng. Mũ áo của cô dâu người Dao đỏ là một tác phẩm độc đáo của sắc màu, thể hiện sự tinh xảo trong từng đường thêu hoa văn thổ cẩm độc đáo. Trên đường đi đến nhà trai, cô dâu phải che mặt, bởi người Dao đỏ quan niệm không để mặt trời soi mặt cô dâu vì sợ mất vía, cô dâu sẽ không gặp may trong đời sống sau này.

Lễ cưới của đồng bào Dao đỏ xã Viễn Sơn không có trống, chiêng, khèn rầm rộ như đám cưới của dân tộc Dao ở các địa phương khác nhưng lại rất sâu sắc và ý nghĩa. Mọi nghi lễ chính được tổ chức tại nhà trai, còn ở nhà gái trước khi đưa dâu chỉ làm một lễ cúng đơn giản và bữa cơm gia đình. Để lễ cưới được diễn ra trọn vẹn, trước đó nhà trai và nhà gái đã có sự bàn bạc, thống nhất chọn ngày, giờ đẹp để đưa, đón dâu nhập đinh (nhập khẩu) về bên nhà trai. Trước ngày cưới, nhà gái tiến hành lễ cúng tổ tiên để xin cắt đinh (chuyển khẩu) cho con gái trước khi về nhà chồng.

Trong lễ đón dâu, đáng chú ý và cũng là điểm khác biệt của người Dao đỏ xã Viễn Sơn là chú rể sẽ không đến nhà gái để đón dâu, mà cô dâu cùng đoàn nhà gái, trong đó ông Mờ (tức ông mối) làm trưởng đoàn sẽ tự đến nhà trai.

Đi cùng cô dâu có 6 phù dâu là những cô gái trẻ chưa có gia đình; trong đó, có một phù dâu luôn đi trước và dắt tay cô dâu qua một chiếc khăn; khi đi đường phù dâu có nhiệm vụ che ô cho cô dâu và phụ giúp cô dâu trong quá trình hành lễ từ nhà gái sang nhà trai. Cô dâu trước khi bước qua cửa cùng đoàn đi sang nhà trai phải quay đầu lại ngắm nhìn ngôi nhà 3 lần như một sự cảm ơn đối với tổ tiên, cha mẹ sinh thành, dưỡng dục.

Đến nhà trai, đoàn đưa dâu nhà gái phải dừng chân ở đầu ngõ để đợi giờ tốt và phải bước qua đống lửa, nhà trai cử người đại diện trong đó có ông chủ hôn ra mời chè, mời nước, mời thuốc.

Đến giờ lành, chủ hôn đón cô dâu vào nơi thờ cúng gia tiên để làm lễ nhập đinh, báo cáo với tổ tiên, từ nay gia đình có thêm một đinh nữa; mong tổ tiên chấp nhận và nhập thêm khẩu vào gia đình, phù hộ vợ chồng khỏe mạnh, không ốm đau bệnh tật, sinh được con cái thông minh, tài giỏi, làm ăn giàu sang phú quý…

Lễ kết hôn được thực hiện ngay sau lễ cúng tổ tiên, đây là nghi thức quan trọng công nhận đôi trai gái chính thức trở thành vợ chồng. Trước bàn thờ tổ tiên, lần lượt các nghi thức của lễ kết hôn được chủ hôn thực hiện. Chủ hôn làm phép vào hai chén rượu rồi bắt chéo tay ban cho cô dâu, chú rể mỗi người một chén - thủ tục này được lặp lại hai lần (lễ tơ hồng) với ý nghĩa uống xong ly rượu này hai người sẽ say nhau suốt đời, sống hạnh phúc đến đầu bạc răng long.

Sau đó, cô dâu vái tổ tiên ba lần, vái lạy bố mẹ chồng và được đưa xuống bếp vái thần bếp, rồi múc nước vào chậu bê lên nhà mời ông Mờ, chủ hôn, bố mẹ, gia đình nhà chồng rửa mặt. Khi rửa mặt xong, chủ hôn và gia đình nhà chồng cho tiền cô dâu để lấy may mắn cũng như mong muốn vợ chồng trăm năm hạnh phúc… Từ lúc này, cô gái đã chính thức trở thành người của nhà chồng. Sau khi nghi lễ kết thúc, nhà trai dọn cỗ mời nhà gái và bà con thôn bản, họ hàng cùng uống rượu chúc mừng cho đôi bạn trẻ.

Theo phong tục của người Dao đỏ xã Viễn Sơn, ngay sau đám cưới, đôi vợ chồng trẻ lên đồi trồng quế trên mảnh nương được bố mẹ chia cho làm của hồi môn, để làm vốn liếng tạo lập cuộc sống mới và có trách nhiệm duy trì, phát triển truyền thống trồng cây quế của người Dao. Sau đám cưới một tháng, cô dâu người Dao đỏ mới được về thăm bố mẹ đẻ. Nếu có việc bắt buộc phải về thì chỉ được đứng ở chái nhà chứ không được bước vào trong nhà.

Đám cưới truyền thống của người Dao đỏ xã Viễn Sơn huyện Văn Yên không chỉ chứa đựng, hội tụ nhiều nét văn hóa độc đáo mà còn mang giá trị nhân văn sâu sắc là tấm lòng thành kính với tổ tiên, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, là sự trân trọng bản sắc văn hóa dân tộc - Đó cũng là cách mà người Dao thể hiện tình đoàn kết, tương thân tương ái vượt qua khó khăn, thách thức để chung tay xây dựng cuộc sống gia đình, xây dựng bản làng ngày càng ấm no, hạnh phúc./.

Nguồn: Báo Yên Bái

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT