Hoạt động của ngành

Du lịch Việt Nam hướng tới phát triển bền vững trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu

Cập nhật: 17/08/2016 13:58:07
Số lần đọc: 1323
(TITC) – Sáng ngày 17/8/2016, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch đã tổ chức hội nghị “Việt Nam hướng tới du lịch bền vững trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu” với sự hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ (Dự án EU-ESRT).

Hội nghị có sự hiện diện của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên; Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn; Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Bruno Angelet; đại diện các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch; đại diện lãnh đạo một số Sở Du lịch, Sở VHTTDL; đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, cơ quan ban ngành liên quan, các cơ sở đào tạo du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch.

Trong bối cảnh Du lịch Việt Nam đang ngày càng phát triển nhưng phải đối mặt với nhiều thách thức về biến đổi khí hậu toàn cầu, hội nghị được tổ chức nhằm tăng cường sự quan tâm của các cơ quan, tổ chức quốc tế về biến đổi khí hậu đối với hoạt động du lịch cũng như chia sẻ kinh nghiệm về thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động du lịch.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành Du lịch trong sự tăng trưởng kinh tế. Năm 2015, du lịch Việt Nam đã đón được gần 8 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ khoảng 57 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 338 nghìn tỉ đồng. Bảy tháng đầu năm 2016, du lịch Việt Nam đón được 5,5 triệu khách quốc tế, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2015, phục vụ 38,2 lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 235 nghìn tỷ đồng, tăng 22%. Đến năm 2020, du lịch được kỳ vọng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp khoảng 10% GDP, tạo được nhiều việc làm, nâng cao đời sống người dân.

Để đạt được mục tiêu này, Đảng, Chính phủ đã có những chủ trương thực hiện chính sách phát triển du lịch bền vững, hướng tới mục tiêu cung cấp những kinh nghiệm tích cực cho du khách và cộng đồng, dân cư địa phương, nâng cao nhận thức về môi trường, văn hóa, xã hội. Du lịch Việt Nam đang có sự tăng trưởng tương đối nhanh nhưng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt về năng lực cạnh tranh, tính bền vững và tác động của biến đổi khí hậu.


Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên phát biểu tại hội nghị

Tại Việt Nam, biến đổi khí hậu đang tác động trực tiếp đến nhiều ngành như nông nghiệp, ngư nghiệp, du lịch, thương mại… Với du lịch, biến đổi khí hậu tác động không nhỏ đến tính bền vững của phát triển du lịch, cảnh quan các vùng ven biển, các khu di sản.

Thứ trưởng đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội nghị, qua đó tăng cường nhận thức giữa biến đổi khí hậu với phát triển du lịch, thu thập những ý kiến đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm nhằm giảm tải những tác động của biến đổi khí hậu đến phát triển du lịch Việt Nam.

Ông Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn liên minh châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh biến đổi khí hậu là vấn đề lớn mà ngành Du lịch Việt Nam đang phải đối mặt. Dự án EU-ESRT thông qua hỗ trợ kỹ thuật đã giúp nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu cũng như tác động của nó với các vấn đề liên quan đến môi trường, yêu cầu đối với trách nhiệm quản lý điểm đến của Chính phủ và ngành Du lịch, giảm thiểu tác động tiêu cực, nâng cao yếu tố tích cực.


Ông Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn liên minh châu Âu tại Việt Nam

Tại hội nghị, các chuyên gia đã trình bày tham luận về các chủ đề liên quan đến biến đổi khí hậu và du lịch ở Việt Nam như: Du lịch và Biến đổi khí hậu - thích ứng, rủi ro và cơ hội trong nền kinh tế toàn cầu; Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu của Việt Nam; Thông báo lần thứ 3 Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu; Những bài học kinh nghiệm của điểm đến và ngành Du lịch đối với biến đổi khí hậu; Hỗ trợ của UNDP trong việc giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu; Chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu trong kinh doanh dịch vụ lưu trú; Quan hệ đối tác công tác công tư và vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường để phát triển du lịch trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) và Viện Chiến lược, Chính sách, Tài Nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực du lịch và biến đổi khí hậu nhằm thiết lập cơ sở cùng phối hợp hành động giữa hai bên vì mục đích phát triển bền vững ngành Du lịch và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Các nội dung chính của Biên bản ghi nhớ bao gồm: Trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ và hợp tác trong việc lồng ghép biến đổi khí hậu vào trong chiến lược phát triển ngành Du lịch; Cập nhật và thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; Thực hiện các chương trình, dự án có liên quan đến biến đổi khí hậu và các hoạt động nâng cao năng lực và truyền thông nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu cho các đối tượng liên quan trong ngành Du lịch.

Chiều cùng ngày, hội thảo tiếp tục diễn ra với bài trình bày của chuyên gia về dự thảo tài liệu kỹ thuật hướng dẫn thực hành tốt về du lịch bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu tại Việt Nam và thảo luận nhóm để tham vấn cho Dự thảo tài liệu hướng dẫn./.

Tin, ảnh: Thu Thủy

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục