Tin tức - Sự kiện

Triển lãm Di sản tư liệu thế giới Châu bản và Mộc bản tại Đà Lạt

Cập nhật: 26/08/2016 10:10:00
Số lần đọc: 1359
Sáng ngày 25/8, tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV và Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức triển lãm “Di sản tư liệu tư liệu thế giới Châu bản, Mộc bản - giá trị lịch sử từ ký ức”, với hai không gian ngoài trời và trong nhà, thu hút đông đảo người dân và du khách tham dự.

Triển lãm lần này, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV giới thiệu đến công chúng hơn 200 tài liệu phiên bản Mộc bản và Châu bản tiêu biểu, về lịch sử hình thành và quá trình hoạt động của Quốc Sử quán, cơ quan chịu trách nhiệm biên soạn, san khắc quốc sử của triều đình nhà Nguyễn; gồm hai chuyên đề: “Di sản tư liệu tư liệu thế giới Châu bản, Mộc bản - giá trị lịch sử từ ký ức”, tại không gian ngoài trời, giới thiệu khái quát, tính độc đáo về hình thức của di sản tư liệu Châu bản và Mộc bản; chuyên đề “Triều Nguyễn với việc biên soạn và san khắc quốc sử”, giới thiệu vai trò của triều Nguyễn trong việc biên soạn quốc sử, nghệ thuật chế tác Mộc bản.

Châu bản triều Nguyễn là tài liệu hành chính hình thành trong hoạt động quản lý nhà nước của triều Nguyễn (1802-1845). Bao gồm văn bản do các hoàng đế ban hành, văn bản do các cơ quan trong các hệ thống chính quyền đệ trình lên hoàng đế phê duyệt bằng mực son và một số văn kiện ngoại giao; được UNESCO công nhận Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2014. Châu bản triều Nguyễn hiện đang được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Mộc bản triều Nguyễn là những tấm gỗ khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm ngược để in thành sách, dùng phổ biến tại Việt Nam thời phong kiến. Hiện, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đang bảo quản 34.619 tấm Mộc bản, với 55.320 mặt khắc, thuộc 152 đầu sách, phản ánh lịch sử Việt Nam từ thời Hùng Vương dựng nước đến triều Nguyễn. Khối tài liệu đặc biệt quý hiếm này được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới năm 2009.

Trong khối tài liệu Châu bản, Mộc bản triều Nguyễn còn có những tư liệu quý, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hai không gian triển lãm được trưng bày lâu dài tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, thành phố hoa Đà Lạt, để phục vụ công chúng tìm hiểu, thưởng lãm./.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT