Tái hiện lễ cúng nhà của người Thái tại Ngôi nhà chung
Trong lễ cúng nhà, chủ nhà sẽ mời thầy mo về cúng mời tổ tiên về. Người tái hiện lễ cúng là nghệ nhân Quàng Văn Hạc đến từ bản Pó, phường Chiềng An, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Mâm cỗ để thờ cúng tổ tiên gồm có một con lợn luộc chín để nguyên to nhỏ tùy theo điều kiện từng gia đình (lợn to có thể dùng thủ, lòng, đuôi và chân để cúng). Bên cạnh đó, trong mâm lễ cúng còn có xôi, thịt băm, rượu cúng, muối trắng, canh thủ lợn, tiết canh, nước trắng, một bó đũa và một it tiền lễ...
Theo trình tự lễ cúng, thầy mo sẽ gọi tên gia chủ, giới thiệu họ tên gia chủ và mời gọi linh hồn của các ông cha tổ tiên, những người đã khuất về ăn mừng buổi lễ. Tiếp theo đó, thầy mo sẽ báo cáo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em của gia chủ đã khuất về một năm lao động sản xuất ăn nên làm ra, những thành công thu được để ngày hôm nay mời ông bà tổ tiên, những người đã khuất về đây ăn mừng buổi lễ.
Thầy mo gọi tên từng người một về và bón ăn cho linh hồn những người đã khuất qua một lỗ nhỏ trên vách gọi là “hu hóng”. Lần lượt đầu tiên từ bố mẹ gia chủ rồi đến ông bà nội và tiếp theo đó mới đến các anh chị em. Cuối cùng thầy mo sẽ mời bón tổng hợp cho tất cả những người đã khuất của dòng họ về ăn mừng buổi lễ mong sự phù hộ cho con cháu trong gia đình làm ăn phát đạt, chăn nuôi phát triển, trồng trọt không có sâu hại, chăn nuôi không có dịch bệnh và con cháu trong gia đinh luôn có được sức khỏe dồi dào.
Sau khi cúng xong, thầy mo sẽ tiễn đưa ông bà tổ tiên, các linh hồn về nơi an nghỉ ngàn thu. Con cháu, anh em họ hàng cùng nhau thụ lộc, ăn uống, thanh niên trai gái cùng nhau hát giao duyên, mọi người hát đối đáp dân ca Thái chúc nhau dồi dào sức khỏe và ăn nên làm ra…
Lễ cúng nhà của người Thái là một tập tục đầy ý nghĩa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đây là dịp để con cháu nhớ ơn công lao của ông bà tổ tiên và cha mẹ đã có công nuôi dưỡng sinh thành./.