Lễ cúng thần rừng của người Pu Péo (Hà Giang)
Thần rừng trong quan niệm của người Pu Péo
Trong quan niệm của người Pu Péo, thần rừng được coi là một vị thần che chở dân làng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Mỗi làng, bản của người Pu Péo đều có một khu rừng cấm riêng.
Chính niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo của người Pu Péo đối với rừng đã giúp đồng bào ý thức cao trong việc gìn giữ và phát triển những khu rừng trong quá trình lịch sử của tộc người. Đặc biệt là việc bảo tồn và phát triển những cánh rừng tự nhiên nguyên sinh cuối cùng còn sót lại. Theo ông Củng Diu Lèng, một bậc cao niên ở bản Củng Chá, xã Phố Là, huyện Đồng văn, tỉnh Hà Giang, từ trong tâm thức, sự tồn tại của rừng rất quan trọng đối với người Pu Péo, bởi rừng là kho dự trữ nguồn sống dồi dào, là nơi đồng bào thể hiện sự thành kính của mình với các đấng thần linh.
Với người Pu Péo, lễ cúng thần rừng có một ý nghĩa đặc biệt. Trong suy nghĩ cũng như trong tiềm thức của họ thần luôn phù hộ cho cuộc sống của người dân và thần ngụ ở trên rừng, nên từ xa xưa, cụ tổ của tộc người Pu Péo đã thề ở Miếu trước cửa rừng rằng sẽ dạy bảo con cháu giữ gìn rừng thiêng.
Tín ngưỡng thờ giữ rừng, cúng rừng với người Pu Péo chính là cúng tổ tiên. Rừng thiêng có vai trò quan trọng trong đời sống hằng ngày cũng như trong đời sống tâm linh của họ. Bởi vậy hằng năm cứ vào mồng 6 tháng 6 âm lịch, người Pu Péo lại tổ chức lễ cúng thần rừng vì họ cho rằng, ngày 6 tháng 6 âm lịch là ngày sạch sẽ nhất trong năm, đất trời đều linh thiêng. Đây là dịp để người dân trong làng bày tỏ lòng biết ơn tới thần rừng và tổ tiên và đây cũng là dịp để dân làng hội tụ gắn bó với nhau hơn.
Độc đáo nghi lễ cúng thần rừng
Trong đời sống tín ngưỡng của tộc người Pu Péo, tục cúng thần rừng đã có từ lâu đời. Điều này thể hiện ở những khu vực có tộc người này sinh sống đều co khu rừng cấm riêng được người dân gìn giữ và bảo vệ bởi các luật tục và điều kiêng kỵ. Trong ý thức của người dân, rừng cấm là nơi thần rừng cư ngụ. Để cuộc sống no đủ, gia đình, dòng họ luôn được khỏe mạnh, không đau ốm thì dân làng không được xâm phạm vào nơi ở của thần rừng, không ai được vào rừng cấm chặt cây lấy củi, săn bắn,..., với họ thần rừng (sau ngần) có vị trí đặc biệt quan trọng, là vị thần có ảnh hưởng nhất và được cầu khấn trong hầu hết các nghi lễ thờ cúng.
Lễ cúng thần rừng được tổ chức mỗi năm một lần vào một ngày nhất định trong năm. Lễ thường được tổ chức vào ngày mồng 6 tháng sáu âm lịch hằng năm, trừ trường hợp ngày đó trùng vào ngày Mùi hoặc ngày Dậu (ngày của Dê hoặc Gà hai con vật được đem làm đồ tế lễ) thì có thể được tổ chức sớm hoặc muộn hơn.
Nơi tổ chức lễ cúng là khu vực bìa rừng phía sau làng. Đàn cúng được dựng quay về rừng cấm. Trước ngày diễn ra lễ cúng, người dân cùng họp bàn để phân công công việc và chuẩn bị lễ vật cho thần rừng. Mọi người dân sẽ cùng đóng góp tiền mua lễ vật, mời thầy cúng. Sáng ngày mồng 6 tháng 6 âm lịch, mỗi gia đình cử một đại diện, thường là chủ nhà mang lễ vật đã chuẩn bị trước đến nhà một gia đình gần rừng nhất. Trước khi ra cúng rừng, người chủ gia đình phải thắp hương cho tổ tiên tromg nhà trước. Chủ trì lễ cúng là thầy cúng (Pể mổ) do người dân trong làng lựa chọn từ trước. Thầy cúng phải là người có uy tín được người dân nể trọng. Trong tháng diễn ra lễ cúng thần rừng, thầy cúng phải kiêng ăn thịt chó.
Đàn cúng của người Pu Péo không đòi hỏi cầu kỳ mà tùy thuộc vào nguyên liệu có sẵn hoặc dễ tìm nhất để làm. Trong thời gian cúng và ba ngày sau đó, người Pu Péo cấm người ra vào bản, không được ra đồng, săn bắn, chặt cây cối, người ta dựng cột gỗ buộc túm lá xanh để làm ký hiệu treo ở đầu bản. Một lễ cúng thần rừng được chia làm hai phần.
Lễ cúng gồm hai phần chính: phần cúng dâng lễ (cúng sống) và phần cúng chính (cúng chín) và cũng được tiến hành lần lượt tương tự như trong lễ cúng thần rừng xưa đã được nêu ở trên. Về cơ bản là không có sự thay đổi, song nếu nhìn nhận sâu sắc hơn thì lễ cúng có một chút thay đổi nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn. Sự thay đổi đó là họ đã từ bỏ những cấm kỵ trong thời gian làm lễ và ba ngày sau đó. Luật lệ đó đã được xóa bỏ và thay vào đó là sự mở rộng giao lưu tiếp đón mọi người ngoài bản đến tham dự. Đây tuy là một sự thay đổi không đáng kể nhưng là cơ sở để khẳng định tư duy của họ có sự thay đổi, thể hiện sự tiến bộ trong cách sống, phù hợp với sự phát triển chung của toàn xã hội.
Những giá trị về tín ngưỡng và cộng đồng
Trong quan niệm của người Pu Péo, rừng là không gian linh thiêng, nơi trú ngụ của thần linh nên không ai được tự ý xâm chiếm, khai thác. Những chế tài đó không chỉ được quy định trong luật tục, mà cao hơn là những quy ước mang tính “thiêng hóa” có sẵn trong ý thức và hành động của mỗi cá nhân trong cộng đồng người Pu Péo. Họ có niềm tin tín ngưỡng đối với rừng, điều này thể hiện trong tâm thức đến ý thức của tộc người này.
Trong đời sống hiện tại, khi nhiều khu rừng đang bị khai thác đến mức cạn kiệt, các vụ vi phạm lâm luật ngày càng gia tăng, để khôi phục bảo tồn và phát triển những khu rừng nguyên sinh hiếm hoi còn sót lại, thiết nghĩ, nên vận dụng những giá trị trong tập quán bảo vệ rừng của cộng đồng người Pu Péo vào quản lý nhà nước đối với tài nguyên đất công và tài nguyên rừng hiện nay./.