Non nước Việt Nam

Lễ an cư kiết hạ – phong tục độc đáo của đồng bào Khmer

Cập nhật: 23/08/2016 08:56:33
Số lần đọc: 1872
Ngày  21/8/2016,  tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đồng bào Khmer đến từ xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng đã tái hiện lễ cơm vắt (an cư kiết hạ). Đây là dịp để đồng bào Khmer tưởng nhớ công ơn của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, họ hàng…

Trong khuôn khổ hoạt động“Đồng bào dân tộc Khmer với văn hóa đặc trưng Nam Bộ” nhân tháng "Sông nước miền Tây" tại "Ngôi nhà chung" đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng đã thiết lễ cúng dường trai tăng ở trong chùa hoặc có đôi khi tổ chức tại tư gia. Đây là dịp để mỗi người thể hiện lòng thành kính của mình, khi thiết lễ dâng cúng, sự sum họp có mặt đông đủ của con cháu làm cho linh hồn người mất cũng được an vui hơn.

Theo Giới luật, mỗi năm đến mùa An cư Kiết hạ, chư Tăng ni đều phải tìm đến một nơi thích hợp để nhập hạ, nơi này được gọi là trường hạ. Tuy nhiên, nếu không có trường hạ hay trường hạ ở xa, địa điểm an cư có thể là ngôi chùa, ngôi tịnh xá, tịnh thất, hay bất cứ chỗ nào thích hợp.

Chương trình tu tập hằng ngày của các trường hạ không hoàn toàn giống nhau về thời khắc nhưng tựu chung cũng không ngoài việc tọa thiền, kinh hành, tụng kinh sáng, tụng kinh chiều, học tập giáo lý, nghiên cứu kinh điển và chấp tác những công việc thường nhật trong chùa. Thời khóa tu tập thường bắt đầu từ 4 giờ sáng là thức chúng, tọa thiền, tụng kinh sáng. Thời công phu sáng chấm dứt lúc 6 giờ rưỡi, chư tăng nghỉ ngơi nửa giờ trước khi ăn sáng. Sau bữa ăn sáng khoảng một tiếng đồng hồ là giờ chấp tác. Từ 9 giờ đến 11 giờ rưỡi là giờ học tập giáo lý và giới luật của chúng Sa Di, Sa Di Ni, Thức Xoa Ma Ni và các vị tân Tỳ kheo. Các bậc Tỳ kheo có tuổi hạ cao dành thì giờ này để dịch kinh sách hoặc dạy Tăng chúng. Đến 11 giờ rưỡi là giờ nghỉ ngơi và chuẩn bị cho bữa cơm trưa vào giờ Ngọ. Mười hai giờ trưa là giờ cúng quá đường, dùng cơm và nghỉ trưa khoảng 1 tiếng đồng hồ để sau đó tiếp tục khóa học buổi chiều từ 2 giờ đến 5 giờ rưỡi với các sinh hoạt cũng như buổi sáng gồm chấp tác, học tập, tọa thiền. Công phu chiều thường là khoá lễ Tịnh Độ được bắt đầu lúc 7 giờ tối. Tiếp đó là giờ học tập hoặc tọa thiền. Mười giờ, sẽ là giờ chỉ tịnh. Ai muốn tiếp tục tọa thiền thì có thể tiếp tục cho đến khuya.

Mục đích của buổi lễ này là để thân quyến có dịp bày tỏ dâng lên nỗi lòng thương kính báo hiếu tri ân đối với ông bà cha mẹ, nội ngoại cửu huyền thất tổ đã quá vãng. Ðồng thời cũng thành tâm dâng lên phẩm vật để cúng dường Tam bảo và hiện tiền tăng. Nhờ sức chú nguyện của Chư Tôn Đức Tăng Ni mà hương linh của người quá cố chóng được siêu sinh thoát hóa.

Mùa an cư là thời gian quan trọng nhất trong năm của hàng Tỳ kheo mà ý nghĩa tu học trong môi trường hoà hợp thanh tịnh được nổi bật nhất. Mỗi mùa an cư là một tuổi đạo cùa cuộc đời một Tỳ kheo. Đây là một tư tưởng vô cùng quan trọng và thiết thực của Tăng chúng, thể hiện lòng từ bi đối với muôn loài chúng sanh và làm nền tảng cho sự tu tập của hàng Phật tử tại gia. Đây cũng là thời gian thuận tiện cho giới cư sĩ tại gia có dịp thân cận chư Tăng học tập giáo pháp, đồng thời là cơ hội tạo phước báo nhân thiên qua việc hộ trì chúng Tăng trong suốt mùa An cư.

Mở đầu buổi lễ khất thực là lời tụng niệm, thuyết pháp của các vị Acha, sau đó các vị sư tụng kinh, làm lễ tạ ơn những người đã làm ra vật thực và cũng để đưa vật thực đến các linh hồn ông bà, cha mẹ quá cố. Giữa buổi tụng niệm, các vị sư dừng lại hưởng vật thực mà người dân dâng lên. Sau đó, các vị sư tụng kinh chúc phúc cho thí chủ và cầu siêu cho những linh hồn đã khuất.

Lễ an cư kiết hạ là một nghi lễ rất quan trọng đối với người Khmer ở Sóc Trăng. Đó không chỉ là tấm lòng của tín đồ đối với các vị sư sãi mà còn thể hiện tấm lòng của người còn sống đối với người đã chết, đối với thần linh và cả những linh hồn thiếu đói. Cho nên, dù bận bịu trăm công nghìn việc, dù nghèo khó cơ hàn, người Khmer cũng tìm mọi cách để chuẩn bị đầy đủ thức ăn, cơm canh, bánh trái mang đến chùa. Đó là một phong tục truyền thống tốt đẹp của người Khmer được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác./.

Nguồn: langvietonline.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT