Đặc sắc lễ cưới của dân tộc Gia Rai
Trước khi làm đám cưới, nhà gái sẽ tìm ông mối làm mai với người con trai mà cô gái đã ưng trước đó. Nếu người con trai đó đồng ý thì nhà gái sẽ trao “vòng tay cầu hôn” cho người con trai và hai bên sẽ chọn ngày cưới.
Khi tổ chức đám cưới thì hai bên gia đình đều chuẩn bị lễ vật của mình gồm: gà sống, rượu, cơm lam, vòng đồng, khăn thổ cẩm… Khăn thì sẽ do nhà gái chuẩn bị để trao cho nhà trai. Đây là những lễ vật bắt buộc trong đám cưới của đồng bào Gia Rai. Ngoài ra, tùy vào điều kiện của từng nhà mà có thêm các lễ vật như trâu, bò, dê....
Sau khi ông mai của hai bên nói chuyện với nhau, và được sự nhất trí của hai bên gia đình thì lễ cưới được bắt đầu. Già làng sẽ trao vòng tay cho cô dâu và chú rể. Vòng tay được làm bằng đồng do hai bên gia đình cùng chuẩn bị để trao cho cô dâu và chú rể. Già làng sẽ làm phép vào chiếc vòng tượng trưng đây là sợi dây buộc hai con người lại với nhau, thuộc về nhau, sống cho đến đầu bạc răng long. Đồng bào quan niệm rằng, đây là nút thắt giữa hai trái tim với nhau, để cô dâu chú rể sống bên nhau trọn đời.
Sau khi trao vòng tay sẽ là lễ trao khăn của cô dâu. Chiếc khăn chỉ có nhà gái có để trao cho nhà trai thể hiện sự cảm ơn của cô dâu tới bố mẹ chú rể đã có công nuôi dưỡng sinh thành. Tiếp đó, già làng (hoặc thầy cúng) sẽ làm lễ cúng Giàng.
“Hỡi các thần, thần núi, thần rừng, thần nước, thần cây hãy phù hộ cho đôi trai gái này. Hôm nay chúng tôi báo tin cho các thần đôi trai gái này sẽ lấy nhau. Các thần hãy phù hộ cho đôi trai gái đến đầu bạc, đến khi con chim rừng thôi hót, con nai rừng thôi săn mồi, khi ông mặt trời thôi chiếu sáng. Hỡi các Giàng hãy về chứng kiến giây phút linh thiêng của đôi vợ chồng trẻ này. Hỡi dòng họ hai bên hãy cầu chúc cho đôi vợ chồng trẻ này luôn hạnh phúc với nhau trọn đời!”
Trước khi về ở với nhau, già làng hoặc thầy cúng làm lễ rửa tay cho cô dâu và chú rể để rửa sạch những bụi bẩn trần gian. Trước đó thầy cúng cũng trao cơm cho cô dâu và chú rể rồi sau đó sẽ mời rượu nhau cho họ hàng hai bên trong tiếng chiêng trống rộn ràng chúc phúc cho đôi vợ chồng mới. Như vậy cô dâu và chú rể đã chính thức là vợ chồng, ăn cùng mâm, ở cùng nhà...
Tất cả các vị khách được mời hay không được mời thì đều được tham gia lễ cưới. Họ sẽ mang rượu, gà… để đến chung vui với hai gia đình, cùng tham gia các hoạt động nhảy múa và cồng chiêng, ăn uống suốt trong thời gian diễn ra đám cưới.
Cũng trong chuỗi hoạt động “Tháng 3 - Mùa con ong đi lấy mật - Tây Nguyên đại ngàn” tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, sau phần tái hiện lễ cưới của dân tộc Gia Rai, bà con các dân tộc Tây Nguyên cùng nhau biểu diễn các tiết mục dân ca dân vũ hát, múa, biểu diễn cồng chiêng…/.