Độc đáo phong vị ẩm thực xứ Mường
Những món ăn của người Mường chủ yếu là khai thác tự nhiên và chăn nuôi. Với các sản vật mà thiên nhiên mang lại như rau rừng, măng rừng, đánh bắt cá ở sông suối, săn bắt động vật... Cách chế biến món ăn của người Mường khá đa dạng nhưng chủ yếu sử dụng cách chế biến các món đồ và xào.
Độc đáo trong phong vị
Người Mường thích ăn các món ăn có khậu vị chua. Có lẽ do điều kiện khí hậu nóng ẩm qui định, những thức ăn dễ chuyển hóa hơn, dễ ăn và cũng ngon miệng hơn, chẳng hạn các món cá muối củ kiệu và quả cà dại; rau cải muối dưa, đu đủ muối dưa ép; rau sắn muối dưa nấu cá... Đặc biệt là người Mường thích loại măng ngâm chua. Từ măng chua họ có thể kết hợp các nguyên liệu khác để chế biến thành nhiều món ăn.
Ngoài vị chua người Mường thích ăn các món có vị đắng, như lá đu đủ, quả đu đủ non đồ là những món ăn có vị đắng mà được người Mường ưa thích. Rau đốm cũng là loại rau đắng được đồ để ăn, có khi đồng bào còn thích ăn món nay hơn thịt, cá. Lá kia là loại rau rất đắng, được nấu canh với khoai môn. Các loại mướp đắng, ruột cá được nhiều người Mường ưa thích. Họ còn ưa mật của các loại động vật như chim, lợn, gà, vịt là nguyên liệu dùng để chế biến nước chấm.
Người Mường cũng thường ăn những món ăn có vị cay nóng đặc biệt là ớt. Trong nhà của đồng bào lúc nào cũng có một hũ ớt.
Người Mường ít ăn những món ăn có vị ngọt. Họ thường chỉ ăn ngọt ở dạng hoa quả tươi. Mật và đường chỉ dùng cho vài loại bánh hay để chấm bánh.
Trong ăn uống, người Mường đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm hay và sâu sắc trở thành biểu tượng văn hóa của dân tộc mình: “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới/ Cơm nếp, cơm chăm, trên nương, trên nà/ Cá nhỏ, cá to, trong ao, dưới suối/ Săn trong rừng được thú, được chim/ Đi hái, đi tìm, được rau, được quả”.
Văn hoá ẩm thực người Mường
Người Mường ở xã Mai Hạ, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình có truyền thống làm các loại bánh bằng gạo, gạo nếp, bột gạo nếp,..Bánh được làm theo những quy định của lễ tết, hội hè. Đối với họ, lễ tết nào cũng có bánh phù hợp nhất định. Các loại bánh không thể thiếu trong các lễ tết của họ: bánh chưng, bánh chay, bánh trôi, bánh uôi, bánh ống (pẻng tổng khìu) dùng trong cưới hỏi, bánh ốc (pẻng wach) để thăm người ốm...
Cơ cấu bữa ăn của người Mường ở xã Mai Hạ, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình có sự khác biệt giữa ngày thường với lễ, tết. Đồ cúng tế trong các lễ tết của họ, trước hết phải thờ cúng tổ tiên, thần thánh, các loại ma nhà, hồn vía cây trồng, vật nuôi... nên nguyên liệu chế biến thường quý hiếm, và được chế biến cầu kỳ hơn… Cỗ trong ngày tết Nguyên Đán cổ truyền của người Mường ở xã Mai Hạ, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình không quá cầu kỳ về hình thức, không trang trí đẹp như cỗ của người Thái, không cắt tỉa hình hoa như người Việt…
Ứng xử trong ăn uống của người Mường ở xã Mai Hạ, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình mang tính tôn ti trật tự. Điều đó thể hiện sâu sắc trong nề nếp gia đình và tính cộng động, cộng cảm tinh thần tương thân tương ái giúp đỡ nhau, giữa những người anh em họ hàng, làng xóm… trong cỗ bàn, đám sá. Nó cũng hàm chứa trong sự nhường nhịn, đồ ăn uống của người khỏe với người ốm đau, của ông bà, bố mẹ, anh chị với con cháu, em út, của người thân trong nhà với thái phụ, sản phụ… sự tương trở đó diễn ra một cách tự nguyện, tự giác trở thành một nếp sống của họ./.