Trang sức nét duyên của phụ nữ Thái ở Nghệ An
Trâm cài tóc, hoa tai, vòng cổ, vòng tay, xà tích... là những yếu tố của trang sức phụ nữ Thái. Từng yếu tố của trang sức được mang trên các vị trí khác nhau trên cơ thể làm tăng thêm nhiều lần vẻ đẹp của phụ nữ Thái.
Trâm cài tóc - nét duyên của phụ nữ Thái
Phụ nữ để tóc dài nên phải búi. Tóc có thể búi ra sau gáy hoặc để trên đỉnh đầu. Việc búi tóc không chỉ cho gọn, tiện lợi trong sinh hoạt và lao động mà còn cho đẹp. Đối với phụ nữ Thái, việc búi tóc có khéo hay không sẽ làm tăng hay giảm vẻ đẹp gương mặt của chính mình. Khi búi tóc để độn và dùng trâm để cài.
Trâm cài tóc của phụ nữ Thái được làm bằng bạc hoặc bằng ngà voi. Trâm có cấu tạo hình “kim”, một đầu có mũ và một đầu nhọn. Mũ trâm cài là một miếng bằng bạc hình tròn có đường kính khoảng 1cm, có độ dài trên dưới 10cm. Khi trâm cài lên tóc, màu bạc, màu ngà voi nổi giữa màu đen như một nét chấm phá tạo nên một giá trị thẩm mỹ đáng kể. Đây cũng là quà tặng của mẹ chồng cho cô dâu mới trong lễ “Tằng cẩu” trong dịp cưới.
Trang trọng với hoa tai
Đa số phụ nữ Thái đều đeo hoa tai. Đây cũng là sự trang trọng phổ biến đối với các cô gái. Bởi thế, khi các bé gái mới sinh khoảng 10 ngày tuổi, các bà mẹ đã xâu lỗ tai cho con để lớn lên đeo hoa tai. Từ 7 tuổi, con gái đã đeo hoa tai cho đến lúc già. Hoa tai được làm bằng kim loại bạc trắng hoặc bằng vàng, có dạng hoa 4 cánh ở phía trước, được chú ý tạo hình trang trí để đeo vào tai sao cho trang trọng và thẩm mỹ.
Những chiếc vòng của đồng bào Thái
Nếu một số dân tộc như Mông, Dao... vòng cổ nhất thiết phải có trong trang sức thì với đồng bào Thái lại không nhất thiết phải có. Do vòng cổ đắt tiền hơn hoa tai nên không phải gia đình nào cũng sắm được, có nhiều vòng cổ truyền từ đời này sang đời khác. Vòng cổ thường đeo ở các bé trai, bé gái nhỏ tuổi, vì người Thái xem vòng cổ là “Bùa hộ mệnh” cho con mình.
Vòng cổ có loại để vòng trơn, có loại trang trí khắc hình đầu rồng ở hai đầu. Rồng trong ý niệm của người Thái là biểu tượng cho sức mạnh. Do vậy, nó là vật bảo vệ sự sống cho con người, nhất là đối với trẻ em. Vòng là đồ trang sức quý hiếm của người Thái, do đó chỉ thấy ở những gia đình giàu có mỗi khi hội hè, lễ tết.
Vòng tay là đồ trang sức của phụ nữ Thái ưa dùng, vòng được chú ý tạo dáng rất đa dạng phong phú. Cấu tạo hình vòng khép kín hoặc hở, bằng chất liệu bạc đeo ở cổ tay phụ nữ. Vòng tay bao giờ cũng được đeo từng đôi. Nghĩa là hai tay phụ nữ Thái đều đeo vòng, ít nhất mỗi tay một chiếc.
Vòng tay gồm nhiều loại: vòng tay trơn, vòng tay kép, vòng tay lá... có vòng tay được trang trí, chạm khắc hoa văn... Vòng tay bạc lấp lánh ở hai đầu cổ tay người phụ nữ Thái làm sinh động thêm vẻ đẹp, làm tăng vẻ duyên dáng của họ. Ngoài ra, vòng cổ tay còn là phương tiện biểu hiện tình yêu đôi lứa, là vật dùng tặng người yêu của các chàng trai người Thái. Vòng tay cũng chính là đồ sính lễ không thể thiếu trước khi rước dâu về nhà chồng.
Vẻ đẹp của xà tích
Xà tích là dây bạc phụ nữ Thái dùng để đeo chìa khóa và những đồ trang nhỏ khác. Một bộ xà tích đầy đủ gồm dây bạc, hộp đựng kim bằng bạc (quả đào), “mỏ vịt” (sốp pết), móng cọp (lệp mưới).
Dây bạc cấu tạo là một dây có 4 cạnh, dây đánh theo hình xương rắn gạp thành chùm móc vào nhau dài 30 - 35cm. Với lối cấu tạo như vậy nên mặc dù bằng kim loại nhưng dây lại rất mềm mại và uyển chuyển. Một bộ gồm từ hai đến sáu dây, mỗi dây có hai móc ở hai đầu để móc vào dây lưng. Quả đào bạc có cấu tạo giống hình quả đào, bên trong quả rỗng để bỏ kim, chỉ thêu và các tư trang nhỏ khác.
Bộ xà tích được giắt vào dây thắt lưng, buông xuống một bên hông. Trên nền màu chàm của thân váy, xà tích bạc óng ánh đung đưa theo nhịp chân bước tạo nên vẻ đẹp vừa diêm dúa, vừa sang trọng nhưng cũng rất bình dị, thân quen. Trong cuộc sống thường nhật, người phụ nữ Thái ít đeo xà tích. Họ chỉ đeo trong dịp hội hè, lễ tết, cưới xin.
Bộ xà tích Thái đã góp phần điểm trang trong đồ trang sức phụ nữ Thái, tạo nên giá trị thẩm mỹ của trang phục truyền thống đồng bào Thái.
Những giá trị thẩm mỹ
Những loại trang sức ít nhiều nói lên điều kiện sống, phong tục tập quán, lễ nghi và tính cách của người đeo. Do đời sống còn nghèo, đồng bào các dân tộc ít người luôn coi trang sức là một tài sản lớn của bản thân và gia đình, đồng thời cũng là vật dụng hàng ngày, đồ thờ cúng - chữa bệnh, ước hẹn hay trao đổi. Khác với người Kinh, đồng bào Thái không mấy xem trọng tiền và hiện vật mà họ chỉ xem trọng trang sức… Từ nhỏ, cha mẹ đã phải đánh trang sức cho con. Cô gái nào có nhiều trang sức sẽ được nhiều chàng trai để ý. Nhưng, vào mùa xuân và lễ hội, mọi người đều đeo tất cả trang sức lên người bộc lộ sự giàu có, vẻ thanh tao hoặc địa vị đối với làng bản.
Không chỉ đem lại vẻ đẹp rực rỡ, trang sức của đồng bào Thái còn cho thấy mối quan hệ giữa người với người. Bên cạnh đó ngoài giá trị thẩm mỹ, phần lớn trang sức của đồng bào Thái còn có vai trò hộ thân. Trên đó có những dấu hiệu của thần linh, gồm những vị thần của từng dân tộc, thần của vùng đất, anh hùng lịch sử và hình ảnh của tổ tiên nhờ thế mà khi đeo ai nấy đều cảm nhận được sự che chở, bao bọc./.