Tăng cường kết nối truyền thông quảng bá du lịch ĐBSCL
Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu phát biểu tại buổi tọa đàm.
Tham dự buổi tọa đàm có Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu; Tổng Biên tập Báo Du lịch Nguyễn Đại Bàng, Trưởng đoàn báo chí khảo sát; Phó Giám đốc Sở VHTTDL Cần Thơ Lê Minh Sơn; Tổng thư ký HHDL ĐBSCL Lâm Thanh Bình; Chủ tịch HHDL TP. Cần Thơ Đặng Tấn Hùng; Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân TP. Cần Thơ Lê Thị Kim Thu cùng gần 30 phóng viên, nhà báo trong đoàn khảo sát, cơ quan báo chí tại Cần Thơ và đông đảo các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đóng trên địa bàn TP. Cần Thơ.
Tại buổi tọa đàm, lãnh đạo Sở VHTDL Cần Thơ, đại diện các HHDL, doanh nghiệp du lịch đã nhấn mạnh những nét đặc sắc của du lịch ĐBSCL nói chung và các sản phẩm du lịch mới của Cần Thơ nói riêng, mong muốn các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền nhiều hơn nữa về du lịch ĐBSCL.
Toàn cảnh buổi tọa đàm.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Du lịch Nguyễn Đại Bàng cho rằng công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch ĐBSCL của các địa phương lâu nay vẫn còn khiêm tốn, nhiều điểm đến như tại chùa Bốn Mặt ở Sóc Trăng vẫn còn khá mới mẻ với phóng viên. Các cơ quan quản lý về du lịch, HHDL và doanh nghiệp du lịch cần chủ động cung cấp thông tin tới các cơ quan báo chí. Sau chuyến đi này, các phóng viên trong đoàn sẽ có nhiều bài viết tuyên truyền về điểm đến ĐBSCL”.
Phóng viên Cao Hoài An, Báo Phụ Nữ TP.HCM ghi nhận sự khởi sắc về cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ của các địa phương mà đoàn khảo sát đã đi qua. Tuy nhiên, ngoài sự đa dạng về tiềm năng, các địa phương cũng cần chủ động tuyên truyền, giới thiệu về cuộc sống và tính cách của con người nơi đây. Tạo ra sự khác biệt với mỗi địa phương, chẳng hạn như để thu hút nhiều hơn nữa du khách tới di tích Nhà Công tử Bạc Liêu thì nên chăng để người con trai Công tử Bạc Liêu giới thiệu về chính ngôi nhà của mình sẽ hấp dẫn hơn sử dụng thuyết minh viên.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm.
Đồng quan điểm, phóng viên Ngô Bạch Đằng, Báo Người Lao động, đề xuất thêm, các địa phương cần khai thác sâu hơn về văn hóa, con người ĐBSCL. Trong khi đó, nhà báo Thu Hoa, Báo Phụ nữ Việt Nam cho rằng, các địa phương cần đẩy mạnh du lịch trải nghiệm. Còn ông Hoàng Chí Hùng, Chủ nhiệm CLB ảnh báo chí, Hội nhà báo TP.HCM đề xuất “các tỉnh ĐBSCL nên đẩy mạnh quảng bá du lịch đường sông. Vì đây là lợi thế của vùng”.
Cũng tại buổi tọa đàm, nhà báo Hoàng Hà, Báo Du lịch đề xuất: “Các địa phương nên chọn điểm đến có sức hấp dẫn, thực sự là điểm nhấn, có sức lan tỏa để quảng bá. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền của địa phương và chú ý tới thế mạnh tuyên truyền quảng bá trên internet”.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu khẳng định vai trò quan trọng của truyền thông mà trong đó báo chí chiếm vị trí trung tâm là công cụ hiệu quả trong công tác tuyên truyền, quảng bá, thu hút khách du lịch. Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu đề nghị các cơ quan báo chí cần vào cuộc có chiều sâu, đa dạng; đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách, sản phẩm, điểm đến trong đó khai thác yếu tố đặc thù du lịch ĐBSCL. Sau chuyến đi này, các cơ quan báo chí trong đó có Báo Du lịch có bài viết tuyên truyền về Du lịch ĐBSCL; Báo Du lịch báo cáo đề xuất cơ quan có thẩm quyền, các phóng viên báo khác báo cáo lãnh đạo có chương trình hành động cụ thể để thúc đẩy công tác quảng bá du lịch với tiêu chí chính xác, công khai, công tâm, hấp dẫn, có lợi cho doanh nghiệp. Báo Du lịch nghiên cứu, đề xuất lãnh đạo TCDL các chương trình khảo sát tiếp theo tại các vùng du lịch.
Bên cạnh đó, Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu yêu cầu địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội du lịch phải tạo điều kiện thuận lợi để phóng viên tiếp cận điểm đến một cách nhanh chóng; các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch của TTXTDL cần lồng ghép, phối hợp với truyền thông để nâng cao tính hiệu quả; các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội du lịch cũng cần phối hợp tài trợ, hỗ trợ để thúc đẩy quảng bá du lịch trên địa bàn.