Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện làm việc với 4 tỉnh miền Trung về hỗ trợ khắc phục sự cố môi trường biển
Toàn cảnh buổi làm việc
Theo báo cáo của các Sở Du lịch, Sở VHTTDL 4 tỉnh miền Trung, sự cố môi trường biển vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động du lịch biển của 4 tỉnh, làm cho lượng khách đến đây giảm mạnh, các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch bị trì trệ.
Theo thống kê của Quảng Trị, tổng thiệt hại trực tiếp đối với các hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ, doanh nghiệp du lịch, hộ kinh doanh dịch vụ ven biển tỉnh Quảng Trị từ khi xảy ra sự cố đến nay ước tính 250 tỷ đồng. Hà Tĩnh báo cáo có 7 khu điểm du lịch biển bị thiệt hại do sự cố môi trường biển, lao động bị mất việc, doanh thu giảm, các đơn vị kinh doanh dịch vụ ngoài khu du lịch biển cũng bị ảnh hưởng. Đối với Quảng Bình sự cố môi trường biển đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, nhất là kinh doanh khách sạn, nhà hàng. Trong 9 tháng đầu năm 2016, Quảng Bình đón khoảng 1,8 triệu lượt khách (giảm 26% so với cùng kỳ năm 2015 và giảm tới 40% so với kế hoạch năm 2016). Tổng thu du lịch ước đạt 1.800 tỉ đồng, giảm 32% so với năm 2015 và giảm 45% so với kế hoạch năm 2016. Đối với Thừa Thiên – Huế do có sản phẩm du lịch khá đa dạng, lượng khách đến để du lịch biển chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ, đối tượng chịu tác động nhiều nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể khu vực ven biển.
Các địa phương đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị liên quan đến hỗ trợ miễn, giảm tiền thuê đất, thu nhập doanh nghiệp, giảm nợ, hỗ trợ vốn vay, lãi suất ưu đãi; Hỗ trợ các hoạt động xúc tiến, quảng bá; Chính sách hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và ổn định đời sống người lao động; Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển được vay vốn và ưu đãi lãi suất…
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn cho biết, Tổng cục Du lịch đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ khắc phục du lịch 4 tỉnh miền Trung và đã điều chỉnh một số hạng mục công việc để dành kinh phí hỗ trợ cho 4 tỉnh trong một số hoạt động. Cụ thể, sẽ triển khai Đề án khảo sát sản phẩm du lịch đặc thù của các tỉnh miền Trung, hướng dẫn các tỉnh trong quá trình thực hiện; Quảng bá, xúc tiến du lịch 4 tỉnh tại thị trường Thái Lan để tăng cường thu hút khách Thái Lan vào các tỉnh miền Trung - một trong những điểm đến ưa thích của thị trường Đông bắc Thái Lan đi bằng đường bộ; Tổ chức chương trình khảo sát 4 tỉnh miền Trung cho các công ty lữ hành, các cơ quan báo chí trong nước để xúc tiến kích cầu nội địa, dự kiến vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11; Hỗ trợ đào tạo các lớp nghiệp vụ buồng, bàn, bar, lễ tân và thuyết minh viên du lịch.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại buổi làm việc
Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện lưu ý để đưa du lịch miền Trung thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện tại không phải là chuyện một sớm một chiều. Bộ trưởng nhấn mạnh, vấn đề trước mắt là tạo được lòng tin với khách du lịch, kéo được khách du lịch đến với 4 tỉnh này, do vậy sẽ ưu tiên trước hết vào hoạt động quảng bá, xúc tiến. Bộ trưởng đồng tình với phương án quảng bá xúc tiến mà Tổng cục Du lịch đưa ra, đồng thời yêu cầu triển khai có trọng tâm, trọng điểm, chú ý ưu tiên 4 tỉnh trong các chương trình, hoạt động xúc tiến quảng bá của Ngành thời gian tới. Xem xét tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch quy mô lớn tại 4 tỉnh miền Trung để thu hút khách du lịch.
Cùng với đó cần sáng tạo ra những sản phẩm, tour du lịch mới, chuyển hướng từ du lịch biển sang các loại hình du lịch khác như văn hóa, tâm linh, sinh thái… Thực tế lượng khách của du lịch 4 tỉnh miền Trung chủ yếu là thị trường nội địa, vì vậy, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá để người dân trong nước vừa có niềm tin vừa có ý thức và tinh thần chia sẻ, tinh thần cộng đồng để đi du lịch. Bộ trưởng chỉ đạo Tổng cục Du lịch và các Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, cơ quan liên quan để có những giải pháp tối ưu, vừa trước mắt vừa lâu dài để hỗ trợ cho 4 tỉnh miền Trung.
Tin: Hương Lê; Ảnh: Thanh Tâm