Hoạt động của ngành

Hội thảo “Đánh giá năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam”

Cập nhật: 28/11/2016 09:06:40
Số lần đọc: 1576
(TITC) – Sáng ngày 25/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) tổ chức Hội thảo “Đánh giá năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam”.

Toàn cảnh hội thảo

 

Tham dự hội thảo có lãnh đạo một số Vụ chức năng của TCDL; đại diện các Sở Du lịch, Sở VHTTDL một số địa phương; đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Lữ hành; các tổ chức quốc tế, các trường đại học, cao đẳng tại Hà Nội cùng các doanh nghiệp du lịch.

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Nguyễn Anh Tuấn cho biết trong bối cảnh toàn cầu hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch, thúc đẩy du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đã trở thành yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh cạnh tranh về du lịch giữa các nước trong khu vực đang ngày càng lớn.

 

Nằm trong Chương trình Hành động Quốc gia về Du lịch năm 2016, Tổng cục Du lịch đã giao Viện Nghiên cứu phát triển du lịch thực hiện nhiệm vụ xây dựng báo cáo “Đánh giá năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam”.

 

Theo dự thảo báo cáo, năng lực cạnh tranh du lịch được chia thành cấp quốc gia, cấp ngành và cấp doanh nghiệp. Các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh du lịch là xã hội, khoảng cách với điểm đến, sự thỏa mãn của du khách, tâm lý du khách, hoạt động marketing, giá cả, tỉ giá ngoại tệ, công nghệ thông tin, an ninh, sản phẩm, chất lượng dịch vụ, chính sách của chính phủ…

 

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo

Với Việt Nam, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đa dạng là điều kiện thuận lợi để du lịch phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất ngành Du lịch ngày càng được cải thiện, số lượng cơ sở lưu trú ngày càng tăng. Năm 2010, có 12.352 cơ sở lưu trú, đến năm 2015, con số này đã tăng lên 18.800. Phương tiện vận chuyển phục vụ trong du lịch đa dạng, chất lượng ngày càng được cải thiện với 22 sân bay quốc tế và nội địa. Hệ thống thông tin cho khách du lịch được đầu tư hơn nhiều, một số thành phố, điểm du lịch nổi tiếng được trang bị wifi miễn phí phục vụ du khách. Sản phẩm du lịch, dịch vụ giải trí ngày càng đa dạng đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Nguồn lực hỗ trợ như giao thông, hạ tầng bưu chính viễn thông, cơ sở chăm sóc y tế… từng bước được hoàn thiện, đảm bảo an toàn, an ninh cho du khách.

 

Bên cạnh các điểm mạnh vẫn còn những hạn chế cần khắc phục về việc khai thác và phát triển đồng bộ nguồn tài nguyên thiên nhiên, di sản, sản phẩm du lịch; hệ thống giao thông chưa đồng bộ, hiện đại; nhận thức xã hội về du lịch chưa đầy đủ; năng lực hội nhập kinh tế quốc tế của các doanh nghiệp du lịch còn yếu, môi trường kinh doanh, cơ chế chính sách còn hạn chế.

 

Dự thảo báo cáo cũng đưa ra nhiều giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch trong thời gian tới. Theo đó, cần xây dựng cơ chế chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động cạnh tranh, phát huy hiệu quả các nguồn lực cho ngành du lịch phát triển; có những chính sách ưu đãi, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là ở những địa phương ven biển, vùng núi, hải đảo…; đẩy mạnh phát triển thị trường, sản phẩm và xúc tiến du lịch tại các thị trường quốc tế, mở văn phòng xúc tiến du lịch tại nước ngoài, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch trên cơ sở phát huy tối đa nguồn lực thừa hưởng và nguồn lực sáng tạo; kiện toàn hệ thống quản lý nhà nước về du lịch; nâng cao nhận thức và đầu tư nguồn lực trong bảo vệ môi trường; xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực du lịch, tiêu chuẩn hóa đào tạo nghề trong du lịch…

 

Tại hội thảo, các đại biểu đã có nhiều ý kiến, tham luận góp phần hoàn thiện dự thảo báo cáo và đề xuất các giải pháp phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch. Với tham luận “Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp lữ hành quốc tế”, TS. Nguyễn Quang Vinh (ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn) cho rằng các doanh nghiệp lữ hành quốc tế thường bị hạn chế trong cạnh tranh do nguồn lực thấp, khả năng duy trì và mở rộng thị trường không ổn định, chậm đổi mới sản phẩm, khả năng quản lý còn hạn chế; hoạt động liên kết và hợp tác thiếu ổn định. Vì vậy cần tập trung vốn hỗ trợ doanh nghiệp, kiểm soát nguồn cung, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng quản lý, tăng cường liên kết hợp tác, thông tin thị trường.

 

ThS. Nguyễn Thanh Bình (Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, TCDL) đánh giá năng lực về cơ sở lưu trú của du lịch Việt Nam đủ sức đáp ứng nhu cầu của du khách và cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực của hệ thống cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam vẫn còn những hạn chế nhất định, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ và hiệu quả quản lý. Xu thế chung toàn cầu hiện nay là mở cửa, hợp tác, hội nhập nên để đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch ngày càng cao, Việt Nam cần nắm rõ các yêu cầu hội nhập, giải quyết tốt những yếu điểm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo nên những thương hiệu mạnh.

 

Các đại biểu tham dự hội thảo cũng cho rằng để nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch Việt Nam cần sự chung tay góp sức của các Bộ, ban, ngành liên quan, đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá để khẳng định được thương hiệu du lịch Việt Nam, khai thác tài nguyên phải đi đôi với bảo tồn nhằm phát triển du lịch một cách bền vững.

 

Tin, ảnh: Thu Thủy

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục