Non nước Việt Nam

Cao nguyên đá Đồng Văn - bức tranh tuyệt đẹp nơi cực Bắc Tổ quốc

Cập nhật: 06/12/2016 08:06:39
Số lần đọc: 1991
Cách Hà Nội khoảng 300 km, cao nguyên đá Đồng Văn được biết đến không chỉ bởi là công viên địa chất toàn cầu. Nơi đây còn hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng nhưng không kém phần hùng vĩ, từng được ví như “Vịnh Hạ Long trên cạn”.

Vẻ đẹp hoang sơ của Cao nguyên đá Đồng Văn. Nguồn ảnh: news.zing.vn
 
Cao nguyên đá Đồng Văn nằm ở điểm cực Bắc nước ta, trải rộng trên địa bàn 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Với những cảnh quan và kiến tạo địa chất điển hình, tinh khiết cùng sự có mặt của đồng bào các dân tộc miền núi và những bản sắc đặc trưng, Cao nguyên đá Đồng Văn luôn có sức hút vô cùng thú vị với du khách, nhất là những người ưa thích du lịch trải nghiệm và du lịch mạo hiểm.

Ấn tượng đầu tiên khi đến với cao nguyên là du khách sẽ trải qua 100km đường đèo với những khúc cua gấp tay áo ngoằn ngoèo, một bên là vực sâu thẳm, một bên là đá núi. Giữa khung cảnh đó, Cao nguyên hiện lên hùng vĩ trong làn mây mờ ảo. Mã Pì Lèng là cái tên khiến cho biết bao người muốn được khám phá, thử sức, nó được xem là “đệ nhất hùng quan”. Mã Pì Lèng nối liền Đồng Văn và Mèo Vạc, nằm vắt mình cheo leo qua dãy núi đá dựng đứng giữa trời. Vào những ngày nắng đẹp, du khách sẽ có cảm tưởng như mình đạp mây và đội trời bởi lúc đó cả con đèo được bao phủ bởi tầng tầng lớp lớp mây trắng xóa… Cái cảm giác ngồi bên vệ đường, bên sườn núi heo hút gió, bên cái lởm chởm của những vách đá, khi chiều xuống dần ánh hoàng hôn rớt nhẹ, hay đôi khi có những tia nắng cố vươn mình qua những đám mây chiếu xuống dòng Nho Quế… Đơn giản vậy thôi mà Mã Pì Lèng làm cho những người đam mê chưa được đến thì ao ước một lần, những người đến rồi thì muốn đến lại nhiều lần nữa.
 

Nguồn ảnh: hagiangonline.net
 
Từ cầu Tràng Hương ngược lên dòng sông dưới chân Mã Pì Lèng khoảng 4 km. Thật bất ngờ khi thấy khung cảnh nơi đây hiện lên hùng vĩ. Màu nước sông xanh trong in cả nền trời, đâu đây trong không gian có tiếng âm thanh vọng từ gió hút về qua các dãy núi. Vào những mùa tháng 3, dọc hai bên bờ sông có hoa gạo nở đỏ góc trời càng tô thêm vẻ đẹp rực rỡ cho dòng Nho Quế. Những ngày nắng lên, cả dòng sông lấp lánh ánh vàng, chim chóc ríu rít, líu lo trên từng cành cây. Hoàng hôn buông xuống, không gian lại trở nên yên tĩnh lạ thường, từng đàn chim theo nhau về tổ ấm, ánh mặt trời chìm dần vào khe núi, để lại dòng sông Nho Quế thơ mộng uốn lượn chảy về xuôi...
 

Dòng sông Nho Quế xanh mát. Nguồn ảnh: dongvan.gov.vn
 
Tô vẽ thêm cho bức tranh đẹp hoang sơ của cao nguyên là những mái nhà bé xíu lưng chừng núi được xây bằng đất và xếp đá làm hàng rào. Vào những ngày mùa xuân, hầu như trong khuôn viên mỗi nhà đều có một cây hoa đào nở. Sắc hoa hồng thắm nổi bật giữa màu xanh đá núi. Phảng phất là những làn khói lan tỏa, hòa vào không gian tạo nên khung cảnh thơ mộng, làm say đắm lòng người. Trên những nẻo đường quanh co có những đứa trẻ má hồng tung tăng vui đùa, lấp ló lưng núi là màu khăn đội đầu sặc sỡ của người Mông. Lặng nhìn cuộc sống bình yên nhưng vô cùng tươi đẹp nơi đây, chắc chắn một điều ai cũng sẽ trải lòng mình để hình ảnh cao nguyên còn in lại mãi và ước mong một ngày sẽ có dịp trở về nơi đây.

Trong những tháng đầu đông này, cao nguyên đá Đồng Văn ngập tràn màu hoa tam giác mạch. Những nương tam giác mạnh đẹp như tranh vẽ trải dài vô tận, những cánh hoa màu hồng trắng, tím li ti, chụm lại như hình chóp nón, ôm trọn ở giữa một hạt mạch quý, tay lá bé bỏng cũng mơ hồ ba góc xanh xanh.
 

Hoa tam giác mạch nở rực rỡ trên cao nguyên. Nguồn ảnh: timeoutvietnam.vn
 
Qua ngã ba Phó Bảng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng toàn cảnh Sủng Là - thung lũng đẹp nhất của cao nguyên. Từ trên con đường vắt vẻo lưng chừng trời nhìn xuống, du khách sẽ thấy Sủng Là như một bức tranh thiên nhiên thanh bình, xinh đẹp. Sủng Là nằm giữa những dãy núi đá tai mèo nhấp nhô, thâm sẫm một màu, những ngôi nhà vững chãi với mái đã phai màu thời gian. Người Hà Giang gọi Sủng Là là “ốc đảo”, bởi nơi đây vốn là thung lũng nằm gọn  trong cao nguyên đá Đồng Văn. Còn những người thích du lịch bụi gọi Sủng Là là “đóa hoa hồng” của cao nguyên đá. Với công chúng yêu thích nghệ thuật, có người nhớ thung lũng này đã được chọn làm bối cảnh cho bộ phim nổi tiếng “Chuyện của Pao”, dựa theo truyện ngắn “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” của nhà văn Đỗ Bích Thúy. Người ta nhớ đến một cô Pao xinh đẹp giữa những cánh đồng hoa cải. Với bộ phim này, điện ảnh đã đem đến cho công chúng những cảnh sắc tươi đẹp của non sông đất nước Việt Nam.

Vẻ đẹp của cao nguyên đá Đồng Văn là món quà vô giá mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho mảnh đất Hà Giang nói riêng và là niềm tự hào của đất nước Việt Nam bởi nó đã trở thành một phần quan trọng của hệ thống công viên địa chất toàn cầu. Lặng lẽ, âm thầm từ đời này qua đời khác, rừng đá Đồng Văn dù không lên tiếng nhưng những cuộc đời, những số phận của bao thế hệ người dân nơi đây vẫn “thổi hồn” cho đá có một cuộc sống trường tồn đến ngày nay. Cao nguyên đá Đồng Văn - bức tranh tuyệt đẹp nơi cực Bắc Tổ quốc, dù có trải nghiệm rồi thì vẫn cảm thấy thú vị bởi nét đẹp hoang sơ, thuần phác của thiên nhiên và con người nơi đây.
Nguồn: Cinet

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT