Nhìn ra thế giới

Trên cao nguyên Xiêng Khoảng (Lào)

Cập nhật: 16/12/2008 08:12:57
Số lần đọc: 3406
Ðiểm đầu tiên chúng tôi đến thăm Lào là tỉnh Xiêng Khoảng. Xiêng Khoảng nổi tiếng không chỉ có căn cứ của các lực lượng yêu nước và cách mạng Lào trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, mà nơi đây còn có đỉnh núi Phu Bia cao nhất nước Lào (2.820 m) và cánh đồng Chum huyền thoại, di tích của một nền văn minh cách đây hàng nghìn năm.  

Ðiểm đầu tiên chúng tôi đến thăm Lào là tỉnh Xiêng Khoảng. Xiêng Khoảng nổi tiếng không chỉ có căn cứ của các lực lượng yêu nước và cách mạng Lào trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, mà nơi đây còn có đỉnh núi Phu Bia cao nhất nước Lào (2.820 m) và cánh đồng Chum huyền thoại, di tích của một nền văn minh cách đây hàng nghìn năm.

 

Xiêng Khoảng có tỉnh lỵ Phon-xa-vẳn, với diện tích 4.500 km2, 25% đất tốt có thể canh tác, trong đó 645 km2 trồng được lúa nước, 250 km2 trồng được lúa nương và 220 km2 đồng cỏ thả gia súc, nằm ở độ cao trung bình 1.200 m so với mặt nước biển, với số dân 225 nghìn người. Thời kỳ kháng chiến, cứu nước, cánh đồng Chum là nơi nóng bỏng và ác liệt nhất ở Lào. Ngày nay, trên cao nguyên cánh đồng Chum ngút ngát tầm nhìn, cỏ mọc xanh trên nền mênh mông, tĩnh lặng của đất trời. Cả một vùng đất bằng và núi đồi nằm rải rác hơn 650 chiếc chum đá khổng lồ, cao từ một tới 3,5 m, có chiếc nặng tới 14 tấn với niên đại khoảng từ 2.500 đến ba nghìn năm. Ðiều ngạc nhiên là người ta không thấy có núi đá ở vùng này. Người xưa đã ghè đẽo chế tác từ những khối đá gra-nít tự nhiên từ nơi nào và chuyển bằng cách nào để đặt được rải rác trên những cánh đồng, trong rừng rậm, nơi sườn núi, đến nay vẫn còn là câu hỏi chưa có lời đáp. Nhưng, đã có không ít lời bàn, cách lý giải khác nhau về những chiếc chum đá này. Tương truyền, những chiếc chum được làm trong thời kỳ của vị thủ lĩnh Khún Chương, khi những chiến binh có tầm vóc khổng lồ chiến thắng kẻ thù ngoại xâm, những con người quả cảm đó đã dùng chúng để làm cốc rượu mừng chiến thắng. Cũng có giả thiết cho rằng, họ dùng để đựng gạo nếp, đồ ăn hoặc để chứa rượu. Nhưng gần đây, giả thuyết có sức thuyết phục hơn cả là những chiếc chum lớn này chính là mộ táng của các vua quan và tù trưởng thời đó... Trải qua các đời, số lượng chum tăng lên tạo nên những cánh đồng chum đầy huyền thoại. Các nhà khảo cổ và sử học của Lào đang đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) đưa vùng cánh đồng Chum vào danh sách di sản văn hóa thế giới.

 

Cách tỉnh lỵ Phôn-xa-vẳn 52 km về phía bắc, huyện Mường Khăm tiếp giáp với núi Phu Bia, quê hương của người Mông có hai suối nước khoáng nóng là Bò Nội (suối nhỏ) và Bò Nhày (suối lớn) nóng tới 60 độ C, nằm ở khá cao so với mặt nước biển, khí hậu mát mẻ quanh năm. Từng tốp, từng tốp khách du lịch đi ngang qua khi được hỏi là trong số các nước Ðông - Nam Á, nơi nào hấp dẫn nhất, mọi người đều trả lời đó là Lào - một đất nước với nhiều cảnh quan hoang sơ, môi trường thiên nhiên trong lành và nguyên thủy. Những cảnh quan ở đây rất thơ mông, thuần khiết cùng sự ổn định chính trị là những nhân tố chính thu hút du khách thập phương với đất nước này.

 

Những nhà nghiên cứu và khách du lịch bốn phương hào hứng đến thăm đất nước Lào, thăm cánh đồng có những chiếc chum đá còn đầy điều bí ẩn, lạ kỳ. Trong số đó có những người Mỹ từng bấm nút cho bom rơi hay người đến tìm những người còn trong diện mất tích (MIA). Một sân bay mới được khôi phục từ căn cứ không quân Phôn-xa-vẳn cũ, hằng ngày đón hành khách trên các chuyến bay từ Viêng Chăn, cố đô Luông Pha Bang đến tham quan. Một số khách sạn đủ tiêu chuẩn đón khách quốc tế đã được xây dựng mới hoặc tân trang, nhiều con đường từng bị hủy hoại trong thời chiến, nay được tu bổ, sửa sang. Từ Việt Nam theo đường số 7 chỉ hơn trăm cây số là đến cánh đồng Chum, nhiều người Việt Nam tới thăm cánh đồng Chum, có thể ghé Tượng đài "Tình đoàn kết chiến đấu Lào - Việt Nam" để nghe người địa phương kể về những kỷ niệm keo sơn của bộ đội Pa-thét Lào và quân tình nguyện Việt Nam một thời cùng chung vai, sát cánh trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung của hai dân tộc Việt Nam - Lào.

Nguồn: Báo Nhân dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT