Non nước Việt Nam

Một điểm du lịch văn hóa hấp dẫn của xứ Thanh

Cập nhật: 25/01/2017 09:14:06
Số lần đọc: 1950
Là nơi lưu giữ những hiện vật cổ, minh chứng cho những giai đoạn lịch sử của đất nước, từ mười năm nay, Bảo tàng Hoàng Long (TP Thanh Hóa) đã trở thành điểm du lịch thu hút đông các nhà nghiên cứu, du khách đến tham quan, tìm hiểu.


Du khách tham quan Bảo tàng Hoàng Long (TP Thanh Hóa).

Với cơ sở trưng bày ban đầu nhỏ hẹp, khiêm tốn nằm trên phố Nguyễn Duy Hiệu, đến nay, nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp lãnh đạo tỉnh, Bảo tàng Hoàng Long đã có một cơ sở khang trang hơn 1.700 m2, bao gồm ba tầng trưng bày, với mỗi phòng rộng khoảng 500 m2, lưu giữ hàng nghìn hiện vật quý hiếm. Bao quanh bảo tàng là khu vườn cây cảnh có hệ thống dịch vụ phục vụ khách tham quan, đồng thời cũng là địa điểm tổ chức chợ quê hằng tuần, thu hút đông du khách và những người yêu thích, sưu tầm cổ vật. Mỗi gian trưng bày của bảo tàng được thiết kế, bố trí theo chuyên đề, dễ dàng giúp người xem nắm bắt một cách hệ thống các giai đoạn lịch sử, thông qua hiện vật và những thuyết minh rõ ràng, khoa học. Trong đó, có các di sản từ thời tiền sử, đồ đá, đồ đồng, đồ sắt và những chế tác tinh xảo từ công cụ lao động, binh khí đến dụng cụ sinh hoạt trong đời sống xã hội. Đáng chú ý, dấu ấn đậm nét trên các di tích hiện vật của người Việt cổ ở các di chỉ khai quật khảo cổ như: núi Đọ, Quán Yên, đồ đồng Đông Sơn và các làng cổ xưa ở thời Đinh, Lê, Lý, Trần… đến các hiện vật khác từ thời phong kiến, thời kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Bảo tàng hiện có 17 bộ sưu tập và lưu giữ 16 nghìn hiện vật cổ của lịch sử Việt Nam, trong số đó có cả hiện vật của nước ngoài và chủ yếu là châu Á.

Cùng với công tác trưng bày, Bảo tàng Hoàng Long vẫn tiếp tục thực hiện công tác sưu tập hiện vật còn tiềm ẩn trong nhân dân, dưới lòng đất, không ngừng làm phong phú cho các bộ sưu tập. Để kết nối giữa văn hóa vật thể và phi vật thể, bảo tàng thường xuyên mở hội thảo, giao lưu văn hóa ẩm thực trong không gian chợ quê, tổ chức các chương trình văn nghệ, trình diễn các loại hình diễn xướng đã được vinh danh là di sản của nhân loại như: hát xẩm, hát xoan, hát chèo, ca trù, biểu diễn cồng chiêng… Hằng năm theo định kỳ, bảo tàng thường xuyên tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm hoạt động chuyên ngành với các bảo tàng nhà nước trong tỉnh và tỉnh ngoài.

Sau mười năm thành lập, đến nay, Bảo tàng Hoàng Long đã đón hàng trăm nghìn lượt khách tham quan, góp phần quảng bá, làm phong phú các sản phẩm du lịch xứ Thanh với bản sắc riêng độc đáo. Theo Giám đốc Bảo tàng Hoàng Long Hoàng Văn Thống, bảo tàng đã và đang không ngừng đổi mới hoạt động, nhằm tăng sức hấp dẫn. Với phương châm xã hội hóa các hoạt động văn hóa du lịch trong sự định hướng và quản lý của ngành văn hóa, du lịch, bảo tàng sẽ mở rộng chức năng nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, kinh doanh cổ vật đúng pháp luật, để có điều kiện phát triển, đáp ứng nhu cầu của công chúng và du khách.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT