Non nước Việt Nam

Hội đua ngựa truyền thống ở Phú Yên

Cập nhật: 06/02/2017 08:27:34
Số lần đọc: 933
Như thường niên, sáng mùng 9 tháng Giêng (tức ngày 5-2-2017), trên vùng căn cứ Địa đạo Gò Thì Thùng ở xã vùng cao An Xuân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, tiếng vó ngựa lại cất lên rộn rã trong tiếng reo hò của hàng nghìn khán giả.
Điều đặc biệt hấp dẫn ở hội đua ngựa này là các kỵ sĩ không ai khác ngoài những nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, còn kỵ mã là những chú ngựa chuyên thồ hàng hóa, nông sản hàng ngày của người dân.Địa đạo Gò Thì Thùng nằm trên vùng đồi rộng hàng trăm hecta ở độ cao 440m so với mặt nước biển. Trong kháng chiến, đây là căn cứ cách mạng vững chắc của quân và dân Phú Yên, làm nên những trận đánh lớn với chiến thắng vang dội trong chiến dịch mùa khô năm 1966.

Từ mờ sáng, tại vùng căn cứ cách mạng này, khi những giọt sương xuân còn lung linh trên ngọn cỏ non, giăng khắp các nẻo đường miền sơn cước, người dân trong vùng đã í ới gọi nhau đến hội đua ngựa Gò Thì Thùng. Cùng lúc, trên những con đường về xã vùng cao An Xuân, từng dòng người, xe cộ nối đuôi nhau náo nức đổ về trường đua đông như trẩy hội. Đây là một trong hai lễ hội đua ngựa truyền thống còn lưu truyền đến ngày nay ở Việt Nam.

Đúng 9 giờ, tiếng trống khai hội vang lên, 32 chú ngựa đua bắt đầu tung vó, bụi bay mù mịt. Những kỵ sĩ đến từ các xã, thị trấn của huyện Tuy An nằm rạp mình trên lưng ngựa, thúc phi nước đại theo tiếng reo hò giục giã.
Hội đua ngựa Gò Thì Thùng có từ thời Pháp và đã trở thành hoạt động văn hóa, thể thao được người dân yêu thích. Trước khi bước ra trường đua, ngựa chuyên thồ hàng hóa, nông sản của người dân trong vùng. Còn kỵ sĩ là những chàng trai, lão nông quanh năm chân lấm tay bùn, chứ không phải là tay đua chuyên nghiệp.

Trong những năm kháng chiến, vùng đất An Xuân trở thành căn cứ cách mạng nên hội đua ngựa không thể duy trì vì hầu hết ngựa đều tham gia tải gạo, muối lên vùng căn cứ nuôi bộ đội. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, ngựa lại tiếp tục gắn bó với người dân miền núi trong thồ hàng nông sản từ nương rẫy về nhà, đến chợ.

Năm nay đã ngoài 60 tuổi, từng tham gia 10 cuộc đua ở hội đua ngựa Gò Thì Thùng, kỵ sĩ Nguyễn Hữu Chi, xã An Hiệp, huyện Tuy An cho biết: “Trước kia, ngựa được cha ông dùng để tải đạn lên Tây Nguyên và thồ hàng hóa, nông sản. Là chỉ huy đội đua của xã An Hiệp lên Gò Thị Thùng An Xuân thi đấu năm nay, tôi rất hưng phấn. Khán giả cổ vũ hết sức tận tình nên cuộc đua vô cùng hấp dẫn”.

Một điều đáng mừng đến với người dân và doanh nghiệp là trong năm mới này, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã ký chủ trương đầu tư thực hiện dự án Trường đua ngựa do Công ty Golden Turf Club Pty. Ltd làm chủ đầu tư tại khu vực Bãi Súng, xã An Mỹ của huyện huyện Tuy An, với diện tích mặt đất khoảng 82ha và 13ha mặt nước, tổng vốn đầu tư 100 triệu USD. Dự án được thực hiện theo Nghị định 06/2017/NĐ-CP ngày 24/1/2017 của Chính phủ, quy định về việc kinh doanh, quản lý hoạt động kinh doanh và xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặc cược đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế trên lãnh thổ Việt Nam.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT