Sẽ đề xuất ban hành Thông tư về quản lý du lịch mạo hiểm
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn
Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn đáng tiếc tại thác Hang Cọp (Tp. Đà Lạt, Lâm Đồng) ngày 23/2 khiến một du khách nước ngoài và một hướng dẫn viên Việt Nam tử vong, Tổng cục Du lịch và Bộ VHTTDL đã nhanh chóng ban hành công văn đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng khẩn trương chỉ đạo các đơn vị chức năng điều tra, làm rõ vụ việc. Xung quanh vụ việc này, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã có cuộc trao đổi với Báo điện tử Tổ Quốc về một số vấn đề liên quan đến quản lý du lịch mạo hiểm trong thời gian tới để tránh lặp lại những vụ tai nạn đáng tiếc.
-Thưa ông, cách đây một năm đã từng xảy ra hai vụ tai nạn đáng tiếc liên quan đến du lịch mạo hiểm tại Đà Lạt. Thời điểm đó, tỉnh Lâm Đồng và ngành Du lịch đã có nhiều giải pháp để rà soát, chấn chỉnh, siết chặt quản lý loại hình du lịch mạo hiểm trên toàn quốc. Tuy nhiên, đến nay vẫn xảy ra tai nạn đáng tiếc trên, ông đánh giá như thế nào về việc này?
+ Trước hết phải khẳng định rằng, việc để xảy ra những vụ tai nạn như tại Thác Hang Cọp là rất đáng tiếc, ảnh hưởng không chỉ đến địa phương mà còn cả hình ảnh của ngành du lịch Việt Nam. Trách nhiệm trực tiếp và cụ thể của những sự việc này thuộc về địa phương vì địa phương quản lý trực tiếp các hoạt động du lịch trên địa bàn.
Ngay khi sự việc xảy ra, Tổng cục Du lịch đã ban hành công văn hỏa tốc đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo Sở VHTTDL, Công an tỉnh và các đơn vị, cơ quan có liên quan làm rõ, xác minh nguyên nhân và xử lý vụ việc đúng theo quy định của pháp luật. Nếu có dấu hiệu hình sự thì phải truy tố và xử lý theo luật hình sự.
Ngoài ra, Tổng cục Du lịch cũng đã tham mưu cho Bộ VHTTDL gửi công văn yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra vụ việc, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật; Rà soát, đánh giá nghiêm túc tình hình kinh doanh dịch vụ du lịch, đặc biệt trong việc tổ chức các chương trình du lịch có tính chất mạo hiểm phục vụ khách du lịch là người nước ngoài; các điều kiện tổ chức, khai thác và vận hành kinh doanh tại các khu, điểm du lịch nơi có các hoạt động du lịch mạo hiểm, có nguy cơ rủi ro cao trong quá trình thực hiện.
-Để tránh lặp lại những vụ tai nạn đáng tiếc trên, ngành du lịch sẽ tiếp tục siết chặt quản lý du lịch mạo hiểm như thế nào, thưa ông?
+Từ vụ tai nạn đáng tiếc tại thác Hang Cọp và những vụ việc đã xảy ra trước đây, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục đôn đốc và cảnh báo, khuyến cáo các địa phương tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch mạo hiểm, tuyệt đối không để xảy ra những vụ việc như thế này. Đồng thời, chỉ đạo các công ty lữ hành tuyệt đối tuân thủ quy định của pháp luật, không đưa du khách đến những nơi nguy hiểm và không được trang bị các điều kiện đảm bảo an toàn cho du khách.
Về lâu dài, chúng tôi sẽ đề xuất, báo cáo lãnh đạo Bộ VHTTDL xem xét và ban hành Thông tư về quản lý du lịch mạo hiểm, trong đó có du lịch thác nước.
-Trong những vụ tai nạn đáng tiếc liên quan đến du lịch mạo hiểm, có thể thấy rõ ngoài nguyên nhân về sự quản lý thiếu chặt chẽ của địa phương, còn có nguyên nhân từ sự chủ quan của du khách đối với sự an toàn của bản thân. Ông có khuyến cáo gì với du khách khi tham gia các loại hình du lịch mạo hiểm?
+Để tránh xảy ra những vụ tai nạn đáng tiếc này, chúng ta cũng cần khuyến cáo đến du khách không nên chủ quan đối với sự an toàn, tính mạng của bản thân khi tham gia các hoạt động du lịch, đặc biệt là du lịch mạo hiểm. Thứ nhất là du khách không được tự ý đến những điểm đến không được phép hoạt động. Thứ hai, du khách phải tuân thủ các quy định của pháp luật và quy định tại điểm đến. Thứ ba, du khách phải lựa chọn những công ty du lịch cung cấp dịch vụ đảm bảo an toàn và đáng tin cậy.
-Xin cảm ơn ông!
Liên quan đến vụ tai nạn tại thác Hang Cọp làm 1 du khách nước ngoài và một hướng dẫn viên người Việt tử vong, chiều 24/2, tại TP Đà Lạt, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng tổ chức cuộc họp đột xuất với các đơn vị du lịch lữ hành trên địa bàn, nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế, nội địa và loại hình du lịch mạo hiểm. Tại cuộc họp, 38 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành có mặt đã ký cam kết thực hiện đúng các quy định của pháp luật về kinh doanh lữ hành và các quy định pháp luật liên quan. Cụ thể, các đơn vị cam kết không tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch mạo hiểm khi chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép, không tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch mạo hiểm tại các địa điểm chưa được khảo sát, cho phép của cơ quan có thẩm quyền; nghiêm túc thực hiện việc quản lý và sử dụng hướng dẫn viên, chỉ sử dụng hướng dẫn viên đã được cấp thẻ để hướng dẫn cho du khách; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách, giữ gìn và bảo vệ môi trường tại khu vực tổ chức chương trình du lịch… Được biết, tỉnh Lâm Đồng hiện có 49 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành. Trong đó, có 16 đơn vị được cấp phép kinh doanh lữ hành quốc tế và nội địa, 33 đơn vị chỉ kinh doanh lữ hành nội địa. |