Non nước Việt Nam

Món ngon từ cây rừng của người M’nông

Cập nhật: 07/03/2017 15:39:25
Số lần đọc: 1941
Đọt mây, lá bép (lá nhíp), cà đắng, khổ qua rừng, bồ ngót rừng (giống lá bép, nhưng dùng lá già để nấu canh bồi)… được người M’nông xem là sản vật quý báu của núi rừng. Đó đều là những nguyên liệu dùng để chế biến được các món ăn dân dã, độc đáo. Người M’nông không chỉ sử dụng các nguyên liệu từ rau, cây rừng trong bữa ăn hàng ngày mà còn trân trọng làm lễ vật dâng cúng, thưởng thức trong ngày lễ, tết, hội truyền thống.

“Canh thụt” là món ăn truyền thống của đồng bào M’Nông

Theo kinh nghiệm của người M’nông, “canh thụt” có công dụng bồi bổ sức khỏe, trị chướng bụng, đầy hơi, giải rượu, rất tốt cho các bà mẹ mới sinh, người già sức yếu và những em bé còi xương… Nguyên liệu chính để chế biến món "canh thụt" truyền thống gồm lá bép, đọt mây, cà đắng, ớt xiêm rừng và cá suối (hoặc thịt một số loại động vật). Từ xưa đến nay, hầu như người M’nông nào cũng biết chế biến và xem đây là món ăn "khoái khẩu", như một đặc sản của dân tộc mình.

Các nguyên liệu chính chế biến canh thụt như lá bép non, cá suối sơ chế, đọt mây bóc vỏ, ớt xiêm xanh, cà đắng rừng.

 

 Sau khi được sơ chế, tất cả các nguyên liệu lần lượt được cho vào ống lồ ô dài hơn 1m.

  

Ống lồ ô được đặt nấu trên lửa và than hồng khoảng 30 phút. Khi nấu phải thường xuyên xoay tròn để ống không bị cháy và nguyên liệu bên trong chín đều.

 

 Món “canh thụt” với vị ngọt, bùi và đắng nhẳn…rất ấn tượng trên mâm cơm truyền thống của người M’nông .

 

“Khổ qua rừng” – món ăn, vị thuốc quý của người M’nông

 

Khi có khách, người M’nông thường lên rừng kiếm một loại quả nhỏ, hình thon dài, vị đắng như khổ qua nên được gọi là quả khổ qua rừng. Khổ qua rừng là quả của dây cứt quạ, một giống thân thảo, gần như dây leo, thân mảnh, phân nhánh nhiều. Quả hình elip và có loại hình bầu dục, thon hẹp ở gốc, sống màu xanh (khi chín màu đỏ tươi, không nên ăn), dài 3 – 5 cm, có 10 sóng cạnh, hạt nhiều… Lá và quả xanh dùng để làm rau luộc, xào, nấu canh ăn tác dụng giải nhiệt, kích thích vị giác. Đây còn là dược liệu dùng để chữa bệnh với tác dụng trừ nhiệt, trị sốt, giải khát, tiêu độc, thoái ban, trừ đờm, cắt cơn ho…

Quả khổ qua rừng vị đắng nhẳn, người M’nông cho rằng sau khi ăn thì uống nước, uống trà, dùng cơm đều sẽ thấy vị ngọt trong miệng.

 

Người M’nông thường dùng cá nục tươi hấp chín, nướng sơ trên than hồng nấu cùng quả khổ qua rừng còn xanh đã bỏ hạt.

 

 Món ăn được nấu với tốc độ nhanh để quả khổ qua không chín quá, mất đi vị đặc trưng của nguyên liệu.

 

 Món ăn từ khổ qua rừng là một trong những đặc sản trong bữa ăn của người M’nông./.

 

Nguồn: baodaknong.org.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT