Khám phá điểm đến Quan Sơn – Thanh Hóa
Quan Sơn là huyện nằm ở phía Tây tỉnh Thanh, cách TP.Thanh Hóa khoảng 200km, nơi có những thửa ruộng bậc thang gối nhau trùng điệp mang đậm nét nguyên sơ cùng nếp nhà sàn xinh xắn với những cô gái Thái bên khung cửi dệt thổ cẩm. Bên cạnh đó, thiên nhiên còn ưu ái ban tặng cho nơi đây nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp mang trong mình những tiềm năng du lịch sinh thái có giá trị như: động Bo Cúng, đền thờ tướng quân Tư Mã Hai Đào, hang Dùa… cùng nhiều lễ hội đặc sắc tạo nên một bức tranh văn hóa đa sắc màu đang chờ du khách khám phá và thưởng lãm.
Động Bo Cúng – vẻ đẹp của tạo hóa
Động Bo Cúng thuộc bản Chanh, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn. Động mang vẻ đẹp hoang sơ và kỹ vĩ với những “lâu đài” thạch nhũ và cảnh quan hùng vĩ làm say đắm lòng người…
Theo người dân địa phương kể lại, động được phát hiện vào năm 1984 do ông Lương Văn Thương, người bản Chanh, xã Sơn Thủy khi đi săn thú đêm ông bắn trúng một con Cầy bị thương rớt xuống hang. Vì tiếc công đi săn cả đêm, sáng dậy ông cùng mấy người trong bản lên núi đến chỗ con Cầy chui vào thì phát hiện thấy một cửa hang khá hẹp và vô cùng ngạc nhiên trước vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ trong động Bo Cúng này.
Động có chiều dài trên 1000 m. Trong không gian vời vợi, du khách có thể chiêm ngưỡng những nhũ đá đủ các hình khối, màu sắc, sinh động, lấp lánh dưới ánh điện huyền ảo như được sắp đặt một cách tài tình để rồi chiêm nghiệm ra những hình người, hình vật, những nương lúa, nương ngô vàng ruộm, những cánh rừng bạt ngàn gắn với những câu chuyện tình huyền bí, nên thơ. Càng đi sâu động càng rộng với vô vàn những thạch nhũ lấp lánh nhiều hình dáng, màu sắc khác nhau. Theo các cụ cao tuổi ở bản Chanh cho biết động Bo Cúng xưa kia còn có cả một dòng suối nổi lên rất nhiều tôm, vì vậy theo tiếng địa phương thì động này còn có tên gọi là “mó tôm”.
Ngoài động Bo Cúng, từ dọc suối Xia đến giáp biên giới còn có nhiều hang động đẹp không kém như: Pha Bái, Co Láy, Pha Khua... tạo thành một quần thể hang động hấp dẫn du khách.
Đền thờ Tư Mã Hai Đào
Từ bao đời nay người Mường Xia ở xã Sơn Thủy luôn nhớ công ơn về người anh hùng Tư mã Hai Đào đã đến đây xây dựng thủ phủ, đánh tan giặc ngoại xâm vùng biên giới.
Theo một số cuốn sách cổ và tài liệu của các cụ cao niên thuộc xã Mường Mìn - Sơn Thủy ghi lại được thì ông là người ở Mường Đào - Mường Khô xưa (nay thuộc huyện Bá Thước). Ông vốn thông minh nên từ nhỏ ông đã bộc lộ những phẩm chất hơn người và luyện kiếm rất giỏi. Khi lớn lên có dáng người cao lớn, tướng mạo phi phàm và võ luyện tinh tài. Khi nghe tin triều đình mở hội đấu võ chiêu mộ anh tài, phò vua diệt giặc ngoại xâm, ông lập tức xuôi về kinh kỳ dâng sớ tấu trình, xin được tham gia hội đấu võ. Trong võ đài năm ấy, ông đã thắng tuyệt đối các đối thủ khác và được nhà vua tác thành gả công chúa là nàng Lá Nọi cho ông.
Vào thế kỷ XVIII, vùng biên giới nước ta bị giặc ngoại xâm rình rập, đánh chiếm liên miên. Phò mã Hai Đào được vua cha cho cầm quân đi dẹp giặc. Ông vui mừng trở về triệu tập thêm binh Mường, rèn luyện vũ khí, chờ ngày tốt xuất quân lên biên giới để trấn ải biên cương. Quân của ông đánh thắng nhiều trận giòn giã. Để cứu nguy, quân giặc liền mang ra cái coọng thần - một loại nhạc cụ giống như cái chiêng, chờ quân ta xông trận chúng đánh coọng lên làm quân ta bủn rủn chân tay, đầu óc quay cuồng. Trước tình thế đó, ông liền phái hai tướng có võ nghệ tinh thông đột nhập vào đồn giặc để đánh tráo. Bằng sự mưu trí, dũng cảm hai tướng đó đã lấy được coọng thần mang về quân ta. Từ đó quân giặc xin đầu hàng, rút lui mãi mãi về đồi Phân Mao, nơi phân chia ranh giới.
Ông là người đã có công gìn giữ biên cương, mang lại no ấm cho bản làng và làm nên sự phồn thịnh cho vùng này. Sau khi ông mất, bà con đã lập đền thờ để hương khói, hằng năm tổ chức lễ hội vừa để tri ân và cầu mong cuộc sống ấm no cho dân bản. Cũng từ đó, mỗi khi trong Mường có con em đi bộ đội hay làm ăn xa, thường mang một cái áo của người sắp lên đường đến đền thờ thắp hương xin ông phù hộ cho chân cứng, đá mềm. Như một lời nguyền thần bí hiệu nghiệm, tất cả những người được gửi vía tại đền và tại Hòn đá vía đều gặp may mắn, bình an nơi trận mạc trở về.
Suối Xia – mạch sống và tâm hồn đồng bào Thái Quan Sơn
Sáng ban mai, dòng suối Xia trải mình trên bãi đá cuội, dỡn đùa với nắng hồng rực rỡ. Trong sắc hoàng hôn khi chiều về, suối Xia lại hóa mình thành bức tranh thủy mặc huyền bí…
Ẩn hiện thấp thoáng giữa núi rừng hoang sơ, dòng suối Xia trong xanh, hiền hòa uốn lượn quanh dãy núi Bo Cúng như kể cùng du khách về chuyện làng, chuyện bản...
Suối Xia còn đặc biệt với mạch nước nóng, là điểm giao hòa của tình hữu nghị Việt - Lào. Tại cửa khẩu Na Mèo bạn thăm thú phiên chợ vùng cao, ngắm dòng suối Xia men theo các chân núi đá vôi thơ mộng, rồi hòa vào con sông Luồng tạo nên vùng ngã ba sông - suối, đây cũng chính là nơi sầm uất nhất và là trung tâm của đất Mường Chu Sàn.
Hòn Đá Vía
Nằm ngay giữa bản Chung Sơn, gần sát nền móng ngôi nhà ở của Tư Mã Hai Đào. Người Mường Xia coi Tư Mã Hai Đào như một vị thần giữ vía cho cả Mường. Toàn bộ cư dân Mường Xia đều gửi vía vào một hòn đá gọi là “Hòn đá vía” tiếng Thái gọi là “Lặc Mắn” để cầu ông giữ vía cho cả Mường.
Mỗi kỳ mở hội Mường Xia, “Hòn đá vía” lại được đào lên mộc dục sạch sẽ, bọc vải đỏ trân trọng rước về đền hành lễ. Nét văn hóa truyền thống này đã trở thành tục “gửi vía” rất riêng của tộc người Thái miền Tây xứ Thanh.
Nhà sàn bản Thái
Nhà sàn không chỉ là không gian sinh hoạt mà còn là công trình kỳ công của cả cộng đồng người Thái Quan Sơn, nó thể hiện tình đoàn kết của cộng đồng làng bản, là biểu tượng của sự hài hòa giữa đất trời và thiên nhiên.
Các gian nhà và cầu thang của người Thái luôn mang số lẻ, hai đầu nhà khum khum hình mai rùa, gắn với truyền thuyết về thuở khai sinh lập địa thần Rùa dạy cho người Thái cách làm nhà theo hình rùa đứng.
Trong ngôi nhà của người Thái xưa kia luôn có hai bếp lửa, một bếp dành cho người già và một bếp dành cho phụ nữ, nhưng ngày nay nhà sàn của người Thái chỉ còn lại một bếp lửa dành cho tất cả mọi người. Cầu thang lên nhà cũng là hai, một dành cho đàn ông, một cho đàn bà.
Để trang trí nhà, người Thái khắc nhiều hoa văn họa tiết tinh xảo trên bậu cửa sổ, trên các tấm ván hình răng cưa làm chấn song cửa sổ và trên “khau cút” (hai tấm ván đóng chéo nhau hình chữ X trên đòn nóc). Bản người Thái sống quần tụ dưới chân núi, nơi có dòng suối Xia uốn mình chảy qua.
Ngoài phong cảnh núi non hùng vĩ, danh lam thắng cảnh, di tích Lịch sử cùng với nét văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc. Đến với Quan Sơn du khách còn được hòa mình trong không gian văn hóa dân tộc Thái với những điệu múa, điệu khặp, khua luống, cồng chiêng và các món ăn đặc sản đậm đà hương vị núi rừng xứ Thanh như cá suối nướng, chỉnh rượu cần, cơm lam, xôi ngũ sắc, thịt bò khô ướp hạt mắc khẻn, canh uôi nấu với cá sông nướng...chắc chắn sẽ là sự lựa chọn lý tưởng để du khách dừng chân thưởng ngoạn.
Lễ hội Mường Xia
Hoà cùng với không khí mùa xuân đang rộn ràng khắp nơi, hàng nghìn người dân và du khách thập phương lại nô nức đến vui Lễ hội Mường Xia diễn ra vào các ngày 24, 25, 26 tháng 3 âm lịch hàng năm.
Lễ hội Mường Xia là lễ hội tín ngưỡng, tâm linh gắn với thờ phụng người có công với đất nước là Tư Mã Hai Đào. Đó là nơi gửi vía ở Hòn đá Vía và là nét văn hoá nhân văn trong phong tục cúng tế của người Mường Xia. Lễ hội là nơi bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống của người Thái vùng biên giới Quan Sơn với các nghi lễ văn hóa tâm linh và hoạt động văn hóa thể thao như: ném còn, khua luống, kéo co, bóng chuyền, bắn nỏ…
Ngoài các nghi lễ và trò chơi dân gian, lễ hội còn có nhiều tiết mục văn nghệ giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong vùng. Lễ hội nhằm tôn vinh những người có công trong lịch sử dựng nước và giữ nước đồng thời khơi dậy nét đẹp truyền thống văn hoá, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc trên đất Mường Xia, góp phần giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước. Từ đó nâng cao tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp văn minh./.