Hành trang lữ khách

Kham phá thác Vạn Mơ – Phú Thọ

Cập nhật: 07/04/2017 14:47:35
Số lần đọc: 2012
Dòng thác không quá mạnh mẽ, nhưng rất đỗi dịu dàng nên thơ, có tên là “Vạn Mơ” thuộc xã Cự Thắng, huyện Thanh Sơn. Tên thác là tên ghép của đôi vợ chồng anh Vạn - Chị Mơ và anh chị cũng là người đã tìm ra dòng thác quyến rũ “Vạn Mơ”.

Nhiều du khách đến với Vạn Mơ không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hoang sơ, thiên nhiên tươi đẹp mà còn cảm nhận được không gian mang đậm chất nghệ thuật với những hàng cây, tảng đá, động thực vật phong phú được tạo ngay dưới chân thác:
                   “ Vạn - Mơ tên vợ, tên chồng
                      Hoang sơ tìm đến
                      Dụng công tạo thành..”
Trước đây, thác được gọi là thác “Vạn Mơ” nhưng lâu dần người ta gọi theo cách thân mật hơn là thác “Mơ”, bình dị hơn, chan hoà hơn.

Thác Mơ cách Hà Nội khoảng 120km, đường giao thông khá thuận tiện cho du khách. Nếu đi từ Hà Nội, phải đi qua Sơn Tây rồi qua cầu Trung Hà đến Thanh Thuỷ (Phú Thọ), đường đến xã Cự Thắng huyện Thanh Sơn có chút ghập ghềnh, nhưng khung cảnh lại bình yên, nên thơ, bao bọc bởi màu xanh của núi rừng, tạo nên một cảm giác thiên nhiên và con người như hoà quyện vào nhau.

Từ trung tâm xã Cự Thắng đi vào khoảng 3km đường trải sỏi, bạn đã đến với không gian của Thác Mơ. Từ xa xa đã nghe tiếng thác nước rì rào như câu chuyện thầm thì của cô thiếu nữ, tiếng suối róc rách chảy dưới những chân núi, ngửi thấy đâu đây thoang thoảng hương của đất, của hoa rừng quyến rũ, tiếng con chim rừng đâu đó kêu vang... cho ta cảm giác như vừa thoát khỏi chốn trần tục ồn ào để tìm đến nơi tĩnh lặng, bình yên. Men theo con suối nhỏ để đến chân thác, du khách sẽ được đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên còn hoang sơ của đại ngàn, thác được bao bọc bởi những ngọn núi xanh mát, hệ động thực vật nguyên sinh phong phú, đa dạng, đứng từ chân thác ngước nhìn lên sẽ thấy nắng mặt trời chiếu rọi qua từng tia nước bung toả qua sườn núi đá hoa cương, tựa như một bức tranh sắc màu pha lê lung linh. Thác Mơ có đến 9 tầng khác nhau nhưng lại là sự gắn bó, kết nối, như sự gắn kết giữa trời và đất, dòng chảy của thác nhẹ nhàng êm ái như mái tóc buông xoã của thiếu nữ.

Đường lên thác không chỉ có những cây cổ thụ mà còn dày đặc những dây leo chằng chịt, khi leo theo từng vách đá chênh vênh dây leo rừng như người bạn trở thành điểm bám tựa an toàn, đôi lúc hơi nước nơi đây đọng lại trên tán lá rơi rớt như giọt mưa rừng khiến cho không khí nơi núi ngàn càng thêm mát mẻ, trong lành. Càng đi lên du khách càng cảm thấy như bị cuốn vào một câu chuyện đầy bí ẩn, không gian tĩnh mịch, bốn bề là núi rừng xen lẫn là tiếng ầm ầm của thác, bụi nước toả thành làn sương huyền ảo, mơ màng.

Dừng chân sau chuyến khám phá cảnh quan, du khách có thể đắm mình trong dòng nước suối trong mát, nghỉ ngơi tại nhà sàn, thưởng thức các món ăn dân giã đặc sắc của miền sơn cước nơi đây; cũng có thể tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể dưới những tán cây rừng hay ngắm đàn chim về ăn trái chín ở vườn khế...Thác Mơ, mang  đến một bức tranh thuỷ mạc hữu tình, con người bình dị và gần gũi./.

Nguồn: svhttdl.phutho.gov.vn

Cùng chuyên mục