Hành trang lữ khách

Thong dong khám phá miền nắng gió…

Cập nhật: 11/04/2017 09:00:30
Số lần đọc: 1716
Ninh Thuận chưa bao giờ là điểm đến du lịch nổi trội ở bất cứ một loại hình du lịch nào. Nhưng gần đây, Ninh Thuận thu hút du khách nhiều hơn, không hẳn vì biển mà là những giá trị văn hóa trên cái nền di sản sẵn có từ ngàn năm. 


Vịnh Vĩnh Hy nhìn từ trên cao. Ảnh: T.Vân

Nếu trước đây, người ta đến Ninh Thuận chỉ để tắm biển Ninh Chữ và ăn hải sản, thì sau khi tỉnh lộ 702 - con đường dọc theo bờ biển hoàn thành, Ninh Thuận trở thành điểm đến mới mẻ với nhiều trải nghiệm khác biệt trên cung đường này. Đó là lang thang ở đảo Bình Hưng ăn hải sản theo kiểu dân dã, đón bình minh ở ngọn hải đăng Hòn Chút, tắm biển ở những bãi tắm trong vắt, mượt mà cát. Đó là ngắm nhìn vịnh Vĩnh Hy từ trên cao với làn nước xanh ngắt, tàu thuyền neo đậu san sát, xung quanh vịnh là núi che chắn, bảo vệ… Đó là thám hiểm hang Rái - với bãi đá khổng lồ phủ rêu, những vách dựng đứng được tạo thành từ những rạn san hô cổ bị sóng biển bào mòn theo thời gian, tạo nên những hình khối kỳ vĩ và những hang núi kéo dài ra biển... 

Ninh Thuận có địa hình ba mặt là núi bao bọc, mặt còn lại là biển vì thế cấu tạo địa chất ở đây nổi bật là cát và núi đá. Không có đồi cát lớn như Bình Thuận, nhưng có đồi cát nhỏ mà người Ninh Thuận gọi là cồn cát. Cồn cát Nam Cương với những luống cát mịn chạy dọc bờ biển cao có, thấp có, tạo thành những tràng cát nhiều tầng nối nhau. Cồn cát Phước Dinh ở ngay dưới chân ngọn hải đăng Mũi Dinh trăm năm tuổi. Người ta bảo, cồn cát Phước Dinh mỗi năm 2 lần khi thì tiến sâu vào đất liền, khi thì lại lùi ra phía biển và có những dòng suối nhỏ uốn lượn. Cũng trên nền cát, thỉnh thoảng có cụm xương rồng vượt lên, hoặc những rặng dương được trồng đang uốn mình đón gió. Vào dịp lễ của người Chăm, nếu may mắn du khách có thể gặp những thiếu nữ Chăm đội nước duyên dáng băng qua đồi cát…

Ngọn Hải đăng Mũi Dinh cao 16m, bao phủ bởi đá Granit, được người Pháp xây dựng năm 1904, trên một sườn núi đá cao (núi Dinh) 300 m so với mực nước biển. Muốn lên ngọn Hải đăng Mũi Dinh đều phải đi ngang qua cồn cát có chiều dài khoảng 2 km và leo núi khoảng 1 km nữa với những dốc đứng, ngoằn ngoèo, một bên là vực sâu, một bên là vách đá... Quãng đường này là một thách thức không nhỏ đối với bất kỳ ai. Nhưng, may mắn là những người dân xóm chài dưới chân núi đã sáng chế ra một loại phương tiện vô cùng độc đáo, giúp du khách băng qua trảng cát và leo núi đầy cảm xúc - đó là xe máy cày. Ngồi trên xe máy cày để vượt cát và leo núi cũng là một thử thách không lẫn lộn với bất kỳ một trải nghiệm nào.

Làng chài dưới chân núi Dinh là điểm dừng chân khá thú vị. Đó là bãi biển cạn, cát mịn và nước trong vắt nằm sát cồn cát, cuối bờ cát là những tảng đá khổng lồ xếp lên nhau tạo nên những khe đá, hốc đá mát rượi, khác hẳn với cái nắng chang chang trên cồn cát. Dân làng chài đi ghe hoặc đi thuyền thúng đánh bắt hải sản mang ra thành phố bán. Và nếu dặn trước, du khách cũng có ngay những món ăn cực kỳ tươi ngon ngay trên bờ biển, từ một nhà hàng dân dã, kiêm luôn các dịch vụ tắm nước ngọt. Chủ nhà hàng từng là người canh giữ ngọn hải đăng, đưa gia đình vào sinh sống, nuôi dê và làm dịch vụ…

Ninh Thuận có gần 300 ngày nắng mỗi năm, với lượng mưa rất thấp từ 300 - 800 mm, vì vậy, thích hợp để chăn nuôi cừu trên những đồng cỏ hoang không thể trồng cấy vì thiếu nước, hay chăn thả dê trên núi đá cao. Du khách thường chọn đến các đồng cừu ở An Hòa, Nhị Hà hay Long Bình vào buổi sáng sớm, hay buổi chiều để vừa tránh nắng vừa được nhìn thấy đàn cừu chen nhau trong ánh nắng vàng... Ngoài các trang trại cừu và dê, thì Ninh Thuận còn có những vườn nho xanh mướt chín đỏ, những ruộng hành tỏi trồng trên cát, những cánh đồng muối trải rộng đẩy hơi nóng mặn mòi…

Người Chăm ở Ninh Thuận chiếm gần một nửa số lượng người Chăm trên lãnh thổ Việt Nam và cũng là dân tộc thiểu số đông nhất tại Ninh Thuận. Cùng với những biến cố lịch sử và quá trình di cư, định cư, người Chăm ở Ninh Thuận vẫn giữ nhiều đặc trưng văn hóa cho tới ngày nay. Đó là làng nghề truyền thống gốm Bàu Trúc và dệt Mỹ Nghiệp thể hiện sự khéo léo và tỉ mỉ của những người phụ nữ Chăm. Đó là Lễ hội Katê vào ngày 1/7 Chăm lịch để tưởng nhớ đến công ơn của vị vua Po Llong Garai. Lễ hội Katê được tổ chức phổ biến ở các gia đình người Chăm, nhưng họ cũng tụ tập về Tháp Po Klong Garai - quần thể tháp Chăm được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14, nằm trên đồi Trầu (Tháp Chàm), là công trình độc đáo, được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật và điêu khắc Chămpa.

Ngoài Tháp Po Klong Garai, Ninh Thuận còn có 2 tháp Chăm khác có tuổi đời khoảng 400 - 1.100 năm là Tháp Hòa Lai và Tháp Po Rome. Nhưng quần thể Tháp Po Klong Garai là có ý nghĩa nhất cho sự hình thành của vùng đất Ninh Thuận. Đây là cụm tháp thờ vị vua Chăm trị vì xứ Panduranga (Ninh Thuận ngày nay), có tên là Po Klong Garai (1151 - 1205) hiện gồm 3 tháp. Tháp chính thờ tượng vua Po Klong Garai, có cửa ra vào ở hướng Đông, bên trên cửa có phù điêu thần Siva múa, có 6 tay. Tháp Cổng ở phía Đông và Tháp Thần Lửa chếch phía Nam có mái hình thuyền. Cổng chính lên tháp có kiến trúc dạng mái vòm độc đáo. Tháp Chăm Ninh Thuận đã đạt tới độ chín muồi của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, dung hòa trong phong cách nghệ thuật Chămpa và Khmer, khiến chúng khác với những quần thể tháp Chăm có trước và sau chúng, với lối kiến trúc hình vòm, hình chóp nhọn, phù điêu trang trí của nền văn hóa Chămpa cổ…

Ninh Thuận là vùng đất của nắng, của gió. Người Ninh Thuận ví von rằng, Ninh Thuận là một sa mạc nóng bỏng, nắng khô và hanh hao như đổ lửa, không thể lẫn bởi nó ăn sâu vào tên cả một vùng đất, là gió như “Phang”, nắng như “Rang” (Phan Rang). Nhưng nó ẩn chứa nhiều điều bí ẩn, như trong những đụn cát ngút ngàn lại lúp xúp những tảng đá lớn, như những núi đá cao lại che giấu những bãi biển xinh đẹp bên bờ cát trắng, như những tháp Chăm sừng sững in dáng giữa đất trời vẫn nuôi dưỡng những giá trị nhân văn ngàn đời... Bởi thế, người Ninh Thuận nhắn rằng, nếu tới Ninh Thuận một lần sẽ không bao giờ đủ cho cái gọi là “khám phá”./.

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Cùng chuyên mục