Phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch
Những khó khăn của làng nghề
Chưa khi nào, những khó khăn của làng nghề Việt Nam được nhắc nhiều như thời gian qua. Những hội thảo, diễn đàn tìm biện pháp để tháo gỡ những khó khăn cho làng nghề liên tục được các cơ quan, ban ngành tổ chức để tìm giải pháp cứu làng nghề.
Ông Vũ Quốc Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đưa ra những con số giật mình: Khoảng 60% các làng nghề đang hoạt động cầm cự, 20% đang thoi thóp và 20% còn lại đã phá sản. Điều này cũng đồng nghĩa với việc một lượng lớn người lao động trong các làng nghề có nguy cơ mất việc làm, đặc biệt là những làng nghề truyền thống.
Theo thống kê, cả nước hiện có 2017 làng nghề với khoảng hơn 11 triệu lao động. Đây là lực lượng lao động hùng hậu góp phần trong việc phát triển kinh tế địa phương. Thực tế, khi làng nghề phát triển, đời sống của người dân được cải thiện hơn rất nhiều, nếu chỉ đơn thuần sống bằng nghề nông. Nhiều người đã trở thành tỉ phú từ việc kinh doanh các sản phẩm từ nghề truyền thống. Các làng nghề đã đem lại những giá trị, bản sắc văn hoá riêng cho từng vùng.
Nói về vai trò và những thành tựu mà làng nghề Việt Nam đạt được trong thời gian qua, ông Hồ Xuân Hùng - Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết: "Làng nghề đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn. Làng nghề Việt Nam đã giúp quảng bá hàng hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế".
Khó khăn lớn nhất của các làng nghề hiện nay là việc tiếp cận với vốn vay ngân hàng để vực dậy làng nghề. Bên cạnh đó, bài toán nhân lực cũng khiến những người có trách nhiệm hết sức đau đầu. Hầu hết nghệ nhân giỏi của các làng nghề đều là những người cao tuổi, trong khi lớp trẻ lại không mặn mà trong việc học nghề, đặc biệt là các nghề thủ công.
Giải pháp tháo gỡ
Làng nghề phát triển, đồng nghĩa với việc đời sống của người dân được cải thiện, tạo việc làm ổn định. Trong số những giải pháp đưa ra để giải cứu làng nghề, kế hoạch lâu dài để phát triển làng nghề cần gắn với phát triển du lịch. Đây là điều không mới với các nước trên thế giới, thậm chí nhiều làng nghề ở trong nước cũng đã tận dụng thế mạnh về văn hoá truyền thống để làm các tour du lịch từ lâu, nhưng chưa đem lại hiệu quả cao.
Nhiều làng nghề ở các nước trong khu vực Châu Á như Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia... phát triển được là nhờ sự phối hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát huy và bảo tồn văn hóa truyền thống. Các quốc gia này không chỉ dừng lại ở các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mà mục tiêu là phát triển có kế thừa các văn hóa truyền thống cùng với những kinh nghiệm lâu đời truyền lại.
Ông Trần Chiến Thắng - Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL nhận định: "Một số làng nghề cũng đã có những tour du lịch. Tuy nhiên, việc khai thác chưa đồng bộ, chưa có sự phối hợp đa ngành, đặc biệt là với chính quyền địa phương. Hiện nay việc khai thác vẫn còn khá manh mún".
Trong nỗ lực giúp làng nghề phát triển, ông Lưu Duy Dần - Phó Chủ tịch kiêm TTK Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết: Để làm tốt hơn nữa về hướng phát triển làng nghề gắn với du lịch cần có các dự án, xây dựng các tuyến du lịch làng nghề như: Gốm sứ: Bát Tràng, Phù Lãng, Thổ Hà, Chu Đậu; thêu ren, dệt lụa, mây tre, đan: Hà Đông, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thường Tín, Thạch Thất, Sơn Đồng; tuyến Hà Nam - Ninh Bình - Nam Định thăm thêu Văn Lâm, chiếu cói Kim Sơn, nhà thờ Phát Diệm. "Tuy nhiên, để hình thành các tour du lịch hiệu quả, các làng nghề cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng đồng thời cải thiện vấn đề môi trường" - ông Dần cho biết thêm.
Ông Vũ Quốc Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam: Các làng nghề cần chú ý đến thương hiệu |