Một năm vượt khó của du lịch Việt Nam
Cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu đã có những tác động tiêu cực không nhỏ đến sự phát triển của du lịch Việt Nam, khiến lượng du khách và doanh thu có chiều hướng giảm sút mạnh. Tuy nhiên, năm 2008 cũng ghi nhận nỗ lực của ngành du lịch trong việc cố gắng ổn định tình hình, tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường và đầu tư xây dựng sản phẩm.
Cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu đã có những tác động tiêu cực không nhỏ đến sự phát triển của du lịch Việt Nam, khiến lượng du khách và doanh thu có chiều hướng giảm sút mạnh. Tuy nhiên, năm 2008 cũng ghi nhận nỗ lực của ngành du lịch trong việc cố gắng ổn định tình hình, tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường và đầu tư xây dựng sản phẩm.
Năm 2008, hình ảnh du lịch Việt Nam đã được quảng bá trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng quốc tế thông qua các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao và du lịch, cho thấy nỗ lực của ngành du lịch trong công tác xúc tiến, quảng bá theo hướng chuyên nghiệp hóa. Tổng cục Du lịch đã chủ động, hỗ trợ và phối hợp các ngành liên quan trong việc tổ chức Tuần khai mạc Năm du lịch quốc gia Mê Công - Cần Thơ 2008, Chương trình du lịch về cội nguồn của ba tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ, Liên hoan (Festival) Huế, Festival Tây Sơn - Bình Ðịnh, các liên hoan, lễ hội du lịch biển hè 2008; các Ngày Việt Nam ở một số thị trường đưa khách đến trọng điểm và đặc biệt là cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 2008 tại TP Nha Trang và Giải vô địch Cờ vua trẻ thế giới tại TP Vũng Tàu. Những sự kiện được tổ chức thành công đã góp phần thu hút lượng khách đến nước ta và giới thiệu hình ảnh văn hóa, đất nước và con người và các điểm đến du lịch Việt Nam với du khách các nước.
Tổng cục Du lịch còn cùng Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hiệp hội du lịch các địa phương tăng cường hợp tác, liên kết mở các đợt xúc tiến, quảng bá du lịch nhằm khai thác hiệu quả thế mạnh chung của du lịch từng vùng, miền. Nổi bật là sự kiện Tổng cục Du lịch cùng nhiều địa phương, các ban, ngành tổ chức vận động bình chọn Vịnh Hạ Long, Phong Nha - Kẻ Bàng và đỉnh Phan Xi Păng là kỳ quan thiên nhiên thế giới và được hàng chục triệu lượt người trong nước và ngoài nước tham gia ủng hộ. Qua cuộc vận động, hình ảnh các Di sản thiên nhiên thế giới và danh thắng nước ta được giới thiệu rộng đến bạn bè các nước. Du lịch nước ta còn cùng các nước trong vùng triển khai các chương trình quảng bá, liên kết như triển khai chương trình "Ba quốc gia - một điểm đến" giữa ngành du lịch ba nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia nhằm thu hút du khách và xây dựng các tua du lịch liên quốc gia giữa ba nước Ðông Dương.
Tổng cục Du lịch và các ban, ngành đã tích cực chuẩn bị, tuyên truyền, quảng bá, chuẩn bị cho Diễn đàn du lịch ASEAN - ATF 2009 sẽ tổ chức tại Hà Nội vào đầu tháng 1-2009 tới. Bên cạnh đó, Luật Du lịch tiếp tục được triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động du lịch phù hợp với những cam kết thực hiện gia nhập WTO trong lĩnh vực dịch vụ du lịch. Hàng loạt đợt khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch cũng được triển khai theo các vùng, miền trong cả nước...
Tuy nhiên, năm 2008 cũng chứng kiến một thời kỳ tăng trưởng chững lại của du lịch Việt Nam kể từ năm 2004 đến nay. Sau những tháng đầu năm có mức tăng trưởng lượng khách đáng phấn khởi, từ các tháng cuối quý I và liên tục sau đó, tỷ lệ tăng trưởng lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm mạnh. Tính đến thời điểm hết tháng 11 vừa qua, lượng khách quốc tế chỉ đạt gần bốn triệu lượt người. Ngay trong tháng 11, lượng khách giảm 5,7% so với tháng 10 và giảm 22,1% so với tháng 11 năm trước. Ðáng lo ngại là, tỷ lệ giảm sút diễn ra mạnh vào những tháng cuối năm thường là mùa cao điểm của du lịch.
Tính cả năm, lượng khách vẫn tăng trưởng nhưng với con số không đáng kể và mức giảm sút không dừng lại, khả năng giữ được lượng khách như năm ngoái đã là một thành công của ngành du lịch. Một số hãng hàng không của các nước cũng đã chính thức giảm các chuyến bay đến nước ta, thậm chí ngừng hoạt động trên tuyến bay này bởi khó khăn do suy thoái kinh tế toàn cầu. Suy thoái kinh tế khiến du khách phải tính toán để lựa chọn những điểm đến giá rẻ hơn, trong khi đó, giá tua của nhiều hãng lữ hành nước ta vẫn chưa có sự điều chỉnh kịp thời bởi thiếu sự phối hợp giảm giá của khách sạn và ngành hàng không. Có thời điểm, khách sạn vẫn tăng giá và mức giá cao hơn giá một số nước trong khu vực từ 10 đến 15%, dẫn đến giá tua du lịch ở Việt Nam thường có mức tăng 30% so với năm 2007. Tình trạng khách hủy mua tua du lịch đến Việt Nam đã trở nên phổ biến khiến các khách sạn kinh doanh cũng khó khăn hơn. Theo một thống kê, công suất phòng bình quân của các khách sạn nước ta trong năm nay chỉ đạt khoảng 49%, giảm so với năm 2007.
Giải pháp khắc phục những khó khăn và hạn chế cho việc giảm sút lượng khách rất cần sự hợp tác liên ngành và đồng bộ dưới sự chỉ đạo chung của Chính phủ. Trước thềm Diễn đàn du lịch ASEAN - ATF 2009, Tổng cục Du lịch đang xây dựng một chương trình khuyến mại thu hút khách từ các thị trường trọng điểm và sẽ giới thiệu với các đại biểu doanh nghiệp du lịch, nhà quản lý các nước trong khu vực và thế giới đến nước ta trong dịp diễn ra Tuần hội nghị ATF 2009. Chương trình này có sự phối hợp giữa các ngành du lịch, hàng không và các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, gồm 100 sản phẩm du lịch trọn gói khuyến mại, giảm giá từ 30 đến 50%, dành cho các thị trường chính: Tây Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, các nước ASEAN, Nga và Trung Quốc. Sau đợt công bố tại ATF 2009, ngành du lịch và ngành hàng không đẩy mạnh quảng bá tại bảy thị trường nêu trên, kết hợp chào bán sản phẩm khuyến mại trong cả năm.
Hiện tại, nhiều khách sạn cao cấp từ ba đến năm sao và các hãng hàng không đã cam kết tham gia vào chiến dịch. Ðể chương trình đạt hiệu quả, theo các nhà quản lý và giới doanh nghiệp, Chính phủ nên hỗ trợ giảm giá điện, nước, cước viễn thông, thuế đất... đối với kinh doanh khách sạn, có chính sách hỗ trợ ưu tiên kích cầu cho ngành du lịch về thuế, về thủ tục và quảng bá hình ảnh... Sự phối hợp đồng bộ vượt khó của các ngành liên quan không chỉ thúc đẩy lợi ích chung của đất nước, mà còn mang lại những lợi ích riêng cho sự phát triển của từng ngành. Thực tế cho thấy, tuy nhiều doanh nghiệp đã tự xây dựng và đưa ra các chương trình du lịch khuyến mại nhưng hiệu quả không cao và không tăng thêm được lượng khách đăng ký mua tua, bởi không có sự kết hợp giảm giá của các đơn vị vận chuyển, hàng không, khách sạn mà chi phí đã chiếm tới hơn 50% giá thành tua du lịch.
Ngành du lịch cũng cần tính đến các giải pháp dài hơi hơn sau khủng hoảng kinh tế. Việc có những giải pháp đồng bộ để thực hiện chiến dịch khuyến mại, giảm giá chỉ là giải pháp cấp bách trước mắt. Về lâu dài, cần quan tâm những yếu tố phát triển mang tính bền vững, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và tăng cường tính chuyên nghiệp trong quảng bá, tiếp thị du lịch. Du khách rồi sẽ quay trở lại khi những tác động của khủng hoảng kinh tế qua đi, chính vì vậy, đầu tư cho cơ sở hạ tầng lưu trú, khách sạn sẽ giúp giảm bớt tình trạng quá tải, căng thẳng giữa cung và cầu của lữ hành và khách sạn như đã từng diễn ra trong các năm trước. Nguồn cung thiếu khi khách đến đông đã đẩy giá phòng khách sạn tăng cao, và là một trong những nguyên nhân dẫn đến giá tua du lịch tăng. Bên cạnh chất lượng dịch vụ chưa tốt thì sự nghèo nàn, đơn điệu của sản phẩm du lịch, không tương xứng giá tiền cũng là yếu tố làm nản lòng du khách khiến giá tua du lịch của Việt Nam bị đánh giá là cao so với các nước trong khu vực. Nên chú trọng xây dựng các dịch vụ giải trí kích cầu khả năng chi tiêu của khách, những chương trình nghệ thuật độc đáo, mang đặc trưng văn hóa dân tộc tại các điểm đến phục vụ khách. Trong tổ chức sự kiện du lịch, cần đầu tư trọng điểm, không thể tiến hành tràn lan các liên hoan, lễ hội du lịch dễ gây nên sự nhàm chán, đơn điệu bởi cách tổ chức sự kiện với những nội dung giống nhau, làm cho việc quảng bá hình ảnh chung về du lịch không đạt hiệu quả như mong đợi. Việc thiếu thông tin cũng là yếu tố làm giảm tính hấp dẫn của hình ảnh Việt Nam là điểm đến nghỉ ngơi lý tưởng. Một chương trình hay kế hoạch mang tầm nhìn dài hạn, liên tục và thường xuyên là điều cần thiết nhằm giới thiệu hình ảnh Việt Nam với những thế mạnh lôi cuốn về tự nhiên, nhân văn, giàu bản sắc văn hóa và ổn định về kinh tế - xã hội.
Có nhiều nguyên nhân khách quan trong năm qua tạo nên tình trạng khó khăn cho sự phát triển của ngành du lịch, nhưng còn một nguyên nhân chủ quan khác là, việc sắp xếp, tổ chức lại công tác quản lý ở các cấp của ngành du lịch chưa thật tốt và đặc biệt là thiếu nhân lực chuyên nghiệp, am hiểu và có kinh nghiệm điều hành trong hoạt động quản lý cũng như kinh doanh. Ðiều này đòi hỏi ngành cần nhanh chóng ổn định công tác tổ chức, có sự phân công, phân cấp rõ ràng, sử dụng và phát huy được chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, đồng thời quan tâm đẩy mạnh việc đào tạo các chuyên gia trong các lĩnh vực theo hướng chuyên nghiệp hóa hơn nữa.
Nguồn: Báo nhân dân điện tử