Hấp dẫn các điểm đến ở huyện cực Nam xứ Thanh
Đến với Tĩnh Gia, du khách không thể bỏ qua vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng của biển Hải Hoà. Nơi đây khi bình minh gõ cửa, du khách có thể thoả mình tham gia kéo rùng cùng những người dân chài lưới, cùng nhặt những con cá, con mực đang quẫy mình trong lưới. Rồi mang lên những chòi lán nằm dọc bờ biển, thêm gia vị, nhen lửa nướng và thưởng hương vị đặc biệt giữa tiếng gió rì rào của rặng phi lao hòa cùng tiếng sóng biển... Bên cạnh đó, hệ thống nhà hàng ở Hải Hòa chủ yếu làm bằng gỗ, tre, luồng vừa thoáng lại tạo cảm giác thân mật, gần gũi, hòa hợp với thiên nhiên. Dù ở bất kỳ nhà hàng nào, du khách cũng được phục vụ tận tình bởi những người dân chân chất, mộc mạc, mến khách.
Rời biển Hải Hòa, du khách có thể đến thắp hương và nghe người dân địa phương kể chuyện về người Anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ dưới chân núi Du Xuyên, xã Hải Thanh. Theo tương truyền, sau khi quét sạch 29 vạn quân Thanh xâm lược, ghi công của cư dân các làng biển trong đó có cư dân Lạch Bạng đã giúp đỡ nhà vua luyện tập thủy binh, hăng hái lên đường giết giặc, vua Quang Trung đã bãi miễn việc nộp thuế yến sào lấy tận đảo Mê, cống vật có từ thời Lê - Trịnh khiến nhiều người dân phải bỏ mạng. Cảm tạ ân đức của nhà vua, dân làng đã lập đền thờ ở dưới chân núi Du Xuyên. Đặc biệt dưới chân đền là bờ biển với bãi đá tuyệt đẹp. Từ đây, du khách có thể ngắm hoàng hôn đổ dài trên bãi cát. Bên cạnh đó, du khách cũng có thể tham quan làng nghề nước mắm truyền thống Do Xuyên - Ba Làng,...
Tạm biệt hoàng hôn trên biển tại đền thờ vua Quang Trung, du khách tiếp tục di chuyển thêm 1 giờ đồng hồ nữa sẽ đến với xã đảo Nghi Sơn. Nghi Sơn là xã đảo nằm trên đảo Biện Sơn hay còn gọi là hòn Biện, đảo Biện, cù lao Biện. Từ trên cao nhìn xuống, đảo Nghi Sơn như một cánh tay khổng lồ chìa ra biển, ôm trọn trong lòng một vụng nước trong xanh ngọc. Tại xã đảo Nghi Sơn, ngoài tắm biển, du khách có thể đến thắp hương tại các di tích đền thờ bà Trần Quý Phi (là vợ Long Vương, còn gọi là đền Vua Bà), di tích Giếng Ngọc gắn với thiên tình bi sử Mỵ Châu - Trọng Thủy, đền thờ Quan Sát Hải đại vương, đền thờ tứ vị thánh nương, chùa Biện Sơn, pháo đài Tĩnh Hải; thắp hương tại đền thờ vua Quang Trung... Cũng tại nơi đây, du khách có thể tham quan KKT Nghi Sơn - một khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Trong tương lai, KKT Nghi Sơn trở thành một trong các trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Bắc Trung bộ và của cả nước.
Từ Nghi Sơn du khách có thể di chuyển và đến tham quan đảo Mê anh hùng, được hòa mình vào thiên nhiên tuyệt đẹp, hùng vĩ của đảo Mê. Không những vậy, du khách cũng như chạm vào non nước, mây trời của biển đảo quê hương...
Để phục vụ nhu cầu tham quan của du khách, ngành chức năng trong tỉnh, UBND huyện Tĩnh Gia đã kết nối các điểm du lịch trong tỉnh đi Tĩnh Gia, đặc biệt là các tuyến du lịch đi đảo Nghi Sơn - động Trường Lâm - cụm thắng tích làng nghề Ba Làng giới thiệu, quảng bá du lịch gắn với sản phẩm của làng nghề sản xuất nước mắm Ba Làng; tuyến biển Hải Hòa - đảo Mê - Nghi Sơn và 6 tuyến du lịch trong huyện đã được đưa vào khai thác phục vụ tham quan du lịch. Bên cạnh đó, đã có một số dự án đầu tư trên địa bàn xã Nghi Sơn như: Dự án Khu du lịch sinh thái đảo Nghi Sơn, do Công ty CP Đầu tư, dịch vụ và Du lịch Nghi Sơn làm chủ đầu tư, với diện tích 106 ha, tổng số vốn là 154,52 tỷ đồng, đã đưa vào sử dụng 11 Bungalow, 5 chòi, 1 quầy bar, 1 nhà hàng. Dự án khu dịch vụ du lịch và nghỉ dưỡng Bắc đảo Nghi Sơn với diện tích 3,10 ha, tổng vốn là 300 tỷ đồng, hiện đang đưa vào khai thác dịch vụ nhà hàng ăn uống, quán cafe sinh thái, khu dịch vụ spa...
Theo lãnh đạo huyện Tĩnh Gia cho biết: Hiện huyện có trên 100 di tích đã kiểm kê và xếp hạng, với đủ các loại hình, các sắc thái riêng về dân cư, dân tộc cùng với bãi biển thơ mộng, trữ tình, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Đây còn là nơi lưu giữ 38 điểm di tích, danh lam thắng cảnh có giá trị lịch sử văn hóa và du lịch. Trong đó có 25 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng với 3 di tích cấp quốc gia, 22 di tích cấp tỉnh. Nhiều loại hình di tích khá phong phú: di tích lịch sử - văn hóa, di tích khảo cổ, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích cách mạng, di tích thắng cảnh và gần 20 lễ hội lớn nhỏ.
Bên cạnh đó, vùng đất cực Nam của Thanh Hóa, còn có nhiều tài nguyên tự nhiên để phát triển các loại hình du lịch: vùng du lịch biển đảo, vùng du lịch sinh thái rừng, hồ, đặc biệt với bờ biển dài 42 km, nằm ven quốc lộ 1A. Tài nguyên hải sản cũng rất đa dạng, với đặc sản nước mắm Do Xuyên - Ba Làng nổi tiếng cả nước, chim cu kỳ Hòn Mê... Trên địa bàn huyện còn có nhiều danh thắng thiên nhiên có thể khai thác du lịch. Ngoài biển có đảo Hòn Mê (chỉ cách bờ biển 25 km), đảo Biện Sơn và hàng loạt đảo nhỏ. Với hệ thống đền chùa, núi non, hang động kỳ ảo, được gắn với các huyền tích khá ly kỳ, mang đậm nét dân gian và huyền thoại lịch sử./.