Hoạt động của ngành

Quảng Ninh tập trung phát triển du lịch bền vững, chuyên nghiệp

Cập nhật: 03/07/2017 09:28:37
Số lần đọc: 701
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã xác định, Quảng Ninh tập trung phát triển du lịch bền vững theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả. Mục đích là xây dựng tỉnh trở thành một trung tâm du lịch quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia, trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Để thực hiện mục tiêu đó, ngành du lịch đã và đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng hàng đầu.


Các học viên Quảng Ninh nhận chứng chỉ Khóa tập huấn tăng cường kỹ năng quản lý khách sạn 4-5 sao của Việt Nam do Dự án EU tài trợ.

Hiện ngành du lịch Quảng Ninh có khoảng 2.800 lao động trực tiếp và 40.000 lao động gián tiếp. Trong đó, lao động trực tiếp có trình độ đại học, cao đẳng nghề chiếm 40%; trung cấp nghề 23%; sơ cấp nghề 22%; lao động phổ thông 14%. Riêng khối khách sạn là 13.000 lao động; lữ hành 1.200; các khu điểm, điểm du lịch là 5.000; nhà hàng, điểm mua sắm 4.000; phương tiện vận chuyển: 5.000 (tàu du lịch 3.000 lao động).

Trong những năm gần đây, công tác đào tạo nhân lực du lịch đã được các cấp, ngành, doanh nghiệp quan tâm chú trọng, tập trung đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề và ngoại ngữ, với hình thức đào tạo mới và đào tạo bồi dưỡng. Tỉnh cũng đã dành nguồn lực nhất định từ ngân sách nhà nước để tổ chức thực hiện, đồng thời công tác xã hội hoá đào tạo cũng đã được thúc đẩy. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, tỉnh đã ký kết với các trường đào tạo chuyên ngành về du lịch mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về du lịch tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước. Cùng với sự quan tâm của các cấp, ngành địa phương, công tác đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh đã tranh thủ được nguồn ủng hộ của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thông qua dự án của tổ chức EU, tính từ tháng 10-2012 đến 2016, dự án EU đã tổ chức được 46 khoá tập huấn về du lịch có trách nhiệm với 3.791 nhân lực từ các doanh nghiệp và của 12/14 địa phương trong tỉnh, tham gia tổ chức các khoá đào tạo viên VTOS. Mặt khác với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành, Trường Đại học Hạ Long đã được thành lập, theo đó tại trường đã có 9 khoa đào tạo chuyên ngành và các trung tâm, trong đó có khoa đào tạo chuyên sâu về du lịch. Đầu năm nay, Sở Du lịch cũng đã phối hợp với Trường Đại học Hạ Long, Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam ký kết hợp tác phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao cho du lịch Quảng Ninh.

Theo đánh giá của lãnh đạo ngành du lịch, so với những năm trước đây, công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch được chú trọng, nâng lên một bước, không chỉ về số lượng mà còn cả về chất lượng đào tạo. Việc phát triển nguồn nhân lực của ngành du lịch đang được triển khai đồng bộ. Từ việc xây dựng quy hoạch dài hạn, tổng thể đến xây dựng kế hoạch, chương trình, thực hiện các biện pháp có tính chất cấp bách, thường xuyên và đã có được những kết quả nhất định góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch Quảng Ninh. Nhìn chung, nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh hiện nay đã có sự chuyển biến rõ rệt, đổi mới, nâng cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, từng bước đáp ứng yêu cầu hoạt động kinh doanh du lịch theo cơ chế thị trường. Hiện tại, ngày càng có nhiều doanh nghiệp áp dụng mô hình quản trị nguồn nhân lực tiên tiến, làm tốt các khâu tuyển chọn, đào tạo bồi dưỡng, sử dụng nguồn nhân lực. Đặc biệt, những doanh nghiệp du lịch lớn có đội ngũ lao động chất lượng khá, được đào tạo bài bản, chính quy, có ý thức, thái độ nghề nghiệp nghiêm túc, kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ khá chuyên nghiệp, đáp ứng tốt yêu cầu của công việc. 

Tuy nhiên, hiện nay lực lượng lao động của ngành du lịch tuy ngày càng đông đảo, hùng hậu hơn nhưng vẫn còn những hạn chế, bất cập. Chất lượng đội ngũ lao động du lịch ở một số nơi vẫn còn thấp, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công việc. Thực tế số lượng lao động du lịch qua đào tạo, có trình độ vẫn còn ít, lao động chưa qua đào tạo còn nhiều. Các ngành, các địa phương mới chỉ quan tâm đến đào tạo, nâng cao chất lượng lao động trực tiếp, việc đào tạo lao động gián tiếp còn bỏ ngỏ. Lao động du lịch của tỉnh nhiều nơi còn thiếu chuyên nghiệp, yếu về kỹ năng giao tiếp, tinh thần, thái độ phục vụ; lao động có trình độ ngoại ngữ để giao tiếp với khách du lịch nước ngoài hầu như không có. Tình trạng “nhảy việc” của nhân viên lành nghề giữa các cơ sở du lịch trong tỉnh, giữa tỉnh ta và tỉnh bạn cũng gây khó khăn cho duy trì ổn định của các doanh nghiệp.

Trong “Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, du lịch được định hướng là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực để phát triển văn hoá, xã hội; du lịch phát triển theo hướng hiện đại, đa dạng...

Quảng Ninh đặt ra mục tiêu năm 2020, tổng khách du lịch đạt 15 triệu lượt, trong đó có 7 triệu khách quốc tế; thời gian lưu trú trung bình đạt từ 3 ngày trở lên, tổng doanh thu đạt 30.000 - 40.000 tỷ đồng. Thu ngân sách từ hoạt động du lịch đạt 10-15% thu nội địa, giải quyết việc làm cho khoảng 130.000 người.

Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, phát huy những kết quả đạt được, bên cạnh việc không ngừng đổi mới công tác quản lý nhà nước về du lịch, đặc biệt là công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, ban hành các chính sách quản lý, các quy chế, kế hoạch, đề án...; đầu tư hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin và hạ tầng du lịch... Quảng Ninh chú trọng và  đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, tiếp tục có chính sách thu hút đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực du lịch; tăng cường chính sách phát triển nguồn nhân lực, xã hội hoá công tác giáo dục và đào tạo, tạo điều kiện để các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch tự đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Đặc biệt, ưu tiên phát triển du lịch vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số để từng bước tăng cường năng lực tham gia của cộng đồng dân cư địa phương cho phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng sinh thái...

Trong bối cảnh khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Quảng Ninh ngày càng đông, nghỉ dưỡng dài ngày, ngoài việc đầu tư phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao để thu hút khách thì việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch được xem là sự đòi hỏi khách quan và cần thiết hiện nay nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của du khách theo hướng chuyên nghiệp.

Nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành du lịch của tỉnh ta nói riêng và của cả nước nói chung, có ảnh hưởng, tác động trực tiếp tới hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và sự phát triển của du lịch tỉnh nhà. Vì vậy, cần quan tâm hơn nữa công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch để nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong xu thế hội nhập nhằm phát triển bền vững./.

Nguồn: Sở Du lịch Quảng Ninh

Cùng chuyên mục