Hoạt động của ngành

Tổng cục Du lịch xúc tiến du lịch tại Lào: đẩy mạnh xúc tiến thị trường gần, tăng cường thu hút khách và liên kết điểm đến với các nước láng giềng

Cập nhật: 21/07/2017 08:03:08
Số lần đọc: 1085
(TCDL) - Triển khai Chương trình Xúc tiến du lịch quốc gia năm 2017, nhân dịp 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào và trong khuôn khổ Những ngày Văn hóa Du lịch Việt Nam tại Lào, ngày 19/7/2017, tại Viêng Chăn, Tổng cục Du lịch phối hợp với Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào tổ chức Hội thảo Xúc tiến Du lịch Việt Nam - Lào.


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo Xúc tiến Du lịch Việt Nam - Lào

Đoàn công tác của Du lịch Việt Nam do Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu dẫn đầu, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam và các cơ quan truyền thông, báo chí. Cùng tham gia sự kiện có Cục Hợp tác quốc tế, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Lào. Tham dự hội thảo, phía Lào có ông Sounh Manivong, Cục trưởng Cục Xúc tiến Du lịch Lào, đại diện một số Vụ của Bộ Văn hóa, Thông tin và Du lịch cùng khoảng 100 đại biểu là doanh nghiệp du lịch, hàng không, hiệp hội và các cơ quan báo chí Lào.


Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nhấn mạnh, Việt Nam và Lào đã hợp tác chặt chẽ với nhau trong khuôn khổ song phương và đa phương, hai nước đã ký kết nhiều văn bản hợp tác trong lĩnh vực du lịch, là cơ sở quan trọng để thúc đẩy hợp tác du lịch. Với những thuận lợi về khoảng cách, văn hóa vừa có những nét đặc sắc riêng, vừa có những nét tương đồng và mối quan hệ tốt đẹp truyền thống giữa nhân dân hai nước, kết quả trao đổi khách du lịch những năm qua đạt kết quả tích cực. Năm 2016, trao đổi khách du lịch giữa hai nước đạt hơn 1,13 triệu lượt, trong đó có hơn 137.000 lượt khách du lịch Lào đến Việt Nam và gần 1 triệu lượt khách du lịch Việt Nam đến Lào. Lào nằm trong nhóm 15 thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam, Việt Nam là thị trường gửi khách lớn thứ 2 của Lào. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đón hơn 68 nghìn lượt khách Lào, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2016.


Cục trưởng Cục Xúc tiến Du lịch Lào Sounh Manivong phát biểu tại hội thảo

Cục trưởng Cục Xúc tiến Du lịch Lào, ông Sounh Manivong nhìn nhận việc hợp tác du lịch giữa Lào và Việt Nam là kết quả trực tiếp của mối quan hệ hợp tác lâu dài và truyền thống giữa hai nước. Hợp tác du lịch giữa hai nước đã thực hiện từ Hiệp định hợp tác Du lịch năm 1991, từ đó đến nay, hai bên đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, ưu tiên thủ tục, quảng bá xúc tiến... ở cả cấp cơ quan quản lý nhà nước về Du lịch và cả địa phương, đặc biệt là ở các tỉnh biên giới hai nước. Khách du lịch Việt Nam đóng vai trò quan trọng đối với thị trường Lào với vai trò một trong thị trường nguồn hàng đầu của Lào, tuy nhiên có xu hướng chững lại trong năm 2016. Lào mong muốn hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác du lịch nhằm tiếp tục thúc đẩy trao đổi khách trong thời gian tới, đặc biệt khi Lào đang tổ chức các hoạt động hướng tới Năm Du lịch quốc gia Lào - Visit Laos Year 2018.  Ông Sounh Manivong kỳ vọng, nhân dịp này, hai bên có thể hợp tác, trao đổi kinh nghiệm và phía Lào mong muốn Việt Nam giúp đỡ và hỗ trợ Lào trong việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cả ngắn hạn và dài hạn.

Đại diện cho Tổng cục Du lịch Việt Nam và Cục xúc tiến Du lịch Lào có bài trình bày về tình hình du lịch của mỗi nước trong thời gian qua. Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch đã nhấn mạnh các điểm đến du lịch Việt Nam hấp dẫn khách du lịch Lào đi bằng cả đường hàng không và đường bộ như  Hạ Long - Hà Nội - Ninh Bình, Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh, Đà Nẵng - Huế - Hội An và Hồ Chí Minh - Phú Quốc gắn với những dòng sản phẩm du lịch thế mạnh của Việt Nam như du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực. Đại diện Cục Xúc tiến du lịch, bà Sengsoda Vanthanouvong trình bày tình hình phát triển của du lịch Lào trong những năm qua, những điểm đến, sản phẩm du lịch tiêu biểu của Lào và một số chính sách thúc đẩy phát triển du lịch của Lào và tiềm năng, thế mạnh, điểm đến của du lịch Lào tới các đối tác Việt Nam.


Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch phát biểu tại hội thảo

Nhân dịp này, các doanh nghiệp của Việt Nam và Lào đã giới thiệu sản phẩm du lịch của doanh nghiệp, các tour đang khai thác nhằm trao đổi kinh nghiệm phát triển du lịch cũng như giao lưu, hợp tác để kết nối điểm đến trong thời gian tới. Đại diện của Hiệp hội lữ hành Lào đã đề xuất một số tuyến du lịch mới kết nối giữa Lào và Việt Nam qua các tỉnh biên giới như tuyến Sầm Nưa (Lào) rồi tới Sơn La, Mộc Châu, sau đó đến Sa Pa, Hà Nội; từ cửa khẩu Na Mèo rồi đưa khách tới Thanh Hóa rồi đi tiếp Hạ Long và khu vực phía Bắc Việt Nam, từ cửa khẩu Atapư – Kon Tum để đi Nha Trang hoặc đưa khách Việt Nam từ Kon Tum sang thủ đô Viêng Chăn của Lào. Bên cạnh đó, đại diện Hiệp hội Lữ hành Lào nêu lên một số vướng mắc từ thực tiễn hoạt động du lịch giữa Việt Nam như vấn đề xuất nhập cảnh, quy định hải quan tại cửa khẩu phía Việt Nam, các quy định về giao thông, đi lại tại Việt Nam, biển chỉ dẫn, hoạt động thanh toán qua hệ thống ngân hàng giữa các doanh nghiệp du lịch Việt Nam và Lào và một số khó khăn khi làm việc với doanh nghiệp Việt Nam. Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đã ghi nhận và đánh giá cao ý kiến về kết nối các cửa khẩu và xây dựng tuyến du lịch mới cũng như những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp Lào và tìm cách tháo gỡ cùng các Bộ, ngành có liên quan.

Tại Hội thảo, các đoàn đại biểu đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật với các nhạc cụ truyền thống dân tộc, do các nghệ sĩ của đoàn nghệ thuật Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham gia Những ngày Văn hóa Du lịch Việt Nam tại Lào trình bày, góp phần giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam đến bạn bè Lào, đồng thời tiếp tục trao đổi, kết nối tại Tiệc chiêu đãi của Tổng cục Du lịch sau sự kiện.


Làm việc giữa Tổng cục Du lịch Việt Nam và Cục Xúc tiến Du lịch Lào

Bên lề sự kiện, Đoàn Việt Nam có buổi làm việc với Cục Xúc tiến du lịch của Lào. Trong buổi tiếp đoàn, ông Sounh Manivong, Cục trưởng Cục Xúc tiến du lịch bày tỏ mong muốn hai bên tiếp tục tổ chức các sự kiện xúc tiến du lịch như tổ chức đoàn famtrip của hai bên. Phía Lào đề xuất Việt Nam nghiên cứu xây dựng sản phẩm tour du lịch dài ngày với thời gian lưu trú tại Lào lâu hơn, thúc đẩy nghiên cứu sản phẩm du lịch kết nối Luangphrabang (Lào) với Điện Biên Phủ (Việt Nam). Hai bên sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong thời gian tới thông qua các sự kiện cụ thể như Phiên họp Cơ quan Du lịch quốc gia ASEAN và các phiên họp liên quan (24-26/7/2017, tại Vĩnh Phúc, Việt Nam), Hội chợ du lịch quốc tế thành phố Hồ Chí Minh – ITE HCMC (tháng 9/2017), Hội nghị Bộ trưởng Du lịch CLMV và ACMECS (tháng 9/2017), các sự kiện hướng tới Năm Du lịch quốc gia Lào 2018.

Vụ Hợp tác quốc tế - Tổng cục Du lịch 

Nguồn: TCDL

Cùng chuyên mục