Tham quan làng chài Nam Ô ở Đà Nẵng
Làng chài Nam Ô nằm bên vịnh Đà Nẵng, dưới chân đèo Hải Vân, bên lề đường Thiên Lý thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Ngôi làng này giống như một quốc gia thu nhỏ với biển, rừng, núi và rất nhiều trầm tích còn lại từ xa xưa.
Mang trong mình những trầm tích với huyền sử về công chúa Huyền Trân, làng chài Nam Ô còn có những câu chuyện gắn liền với việc mở cõi của người Việt. Năm 1306, Huyền Trân trở thành vợ của vua Chế Mân. Sau gần 1 năm, vua chế Mân qua đời. Theo tục lệ của người Chiêm, vua chết, hậu phải chết theo. Biết chuyện, vua Trần Anh tông sai Trần Khắc Trung đi thuyền sang Chiêm quốc viếng tang và tìm cách giải cứu Huyền Trân về Đại Việt. Trên đường trở về Đại Việt, đoàn quân của võ tướng Trần Khắc Trung cùng công chúa Huyền Trân có ghé qua làng Nam Ô, được dân làng tiếp đón và che chở... Sau này, người làng Nam Ô dựng một ngôi miếu, gọi là Miếu vọng Huyền Trân để ghi nhớ công đức mở đất phương Nam của bà.
Làng chài Nam Ô có rừng Cu Đê nằm trên hòn Phụng, còn gọi là núi Cu Đê, gọi theo tên của dòng sông chảy qua khu vực này. Từ trên cao nhìn xuống, khu rừng giống như một con chim lớn tung cánh trên bãi cát vàng, đang nhoài mình ra biển. Đi từ trong rừng ra phía biển là bãi đã với đủ kích thước, từ đá cuội đến những khối đá tảng lớn đủ cho người nằm chen nhau nằm dưới làn nước nông phía chân núi. Đứng trên những tảng đá lớn, đưa mắt ra tầm xa sẽ nhìn thấy bán đảo Sơn Trà hay xa hơn, về phía Tây, là đèo Hải Vân.
Tại làng Nam Ô hiện còn lưu giữ nhiều giếng cổ có tuổi đời khoảng 300 năm. Việc tồn tại những giếng đá cổ hàng trăm năm tuổi với mạch nước trong, sạch, ngọt, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông trong một ngôi làng như thế này là điều khá hiếm. Theo lời kể của các bậc tiền nhân làng Nam Ô, để làm kiểu giếng đá vuông này, tổ tiên ta thời ấy phải lấy đá xanh từ xa, đem về chế tác theo quy cách và khắc chữ, ghi năm tạo lập giếng vào trụ đá.
Cuộc sống gắn liền với biển từ bao đời nay còn khiến làng chài Nam Ô nổi danh với một loại nước mắm thơm ngon. Đến nay, nghề làm nước mắm vẫn được giữ gìn và truyền lại cho nhiều thế hệ./.