Di tích kiến trúc cổ chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang
Toạ lạc trên một quả đồi thấp, bao quanh là những núi non, sông nước, chùa Vĩnh Nghiêm cổ kính, tĩnh lặng và hút vào tầm mắt du khách là một phong cảnh hữu tình. Diện tích cả khu chùa rộng khoảng 10.000m² mở đầu là cổng Tam quan, đi vào hơn 100m là chùa Hộ (hay còn gọi là Tiền đường). Đường vào chùa Hộ, vốn xưa được trồng thông để chùa thành chốn tùng lâm hữu tình, hiện tại vẫn còn một vài cây đứng trên sân chùa như những chứng tích của thời gian. Ngay trên sân chùa du khách sẽ bắt gặp một tấm bia to 6 mặt, dựng từ năm 1606 là dấu vết lâu đời nhất của chùa hiện còn. Đối diện với tấm bia cổ là vườn tháp mộ của 8 vị sư, đều xây dựng sau này.
Từ chùa Hộ trở vào, các khối kiến trúc nối tiếp nhau xây trên trục chính theo một hướng đông nam và được phân tách bằng một khoảng sân hẹp. Trong chùa có 4 khối: chùa Phật (các nhà Tiền đường tức chùa Hộ, Thiêu hương và Thượng điện) hình chữ "công" nhà tổ đệ nhất cũng hình chữ "công" - gác chuông hai tầng tám mái - nhà Tổ đệ nhị và nhà Trai Đường kiểu chuôi vồ. Hai bên còn có các dãy nhà Tả vu và Hữu vu, mỗi dãy 18 gian rộng rãi là nơi hàng năm các sư về an cư kiết hạ.
Cả bốn khối kiến trúc trên đều theo kết cấu khung gỗ cổ truyền, nhưng từ khối nhà tổ đệ nhất trở về sau thì có thêm một số cột gạch và tường gạch hỗ trợ chịu lực. Ngay các thành phần kiến trúc gỗ, trừ bốn cột chính nhà thượng điện to lớn lực lưỡng là dùng lại của thời Lê, còn lại đều thanh thoát mà vẫn đảm bảo chiều dài và độ cao cần thiết là thuộc thời Nguyễn. Toàn bộ cảnh chùa có độ cao thấp, sự giãn cách khác nhau, tạo ra một nhịp điệu phong phú, song nói chung như nhiều kiến trúc cổ truyền, nó không vươn cao đột ngột mà có xu hướng dàn trải, kéo dài theo chiều sâu để luôn gây bất ngờ cho du khách.
Vĩnh Nghiêm nổi lên với kiến trúc ít được chạm khắc, trang trí nhưng chính sự "thanh bạch" ấy lại là cái nền để làm nổi bật hệ thống ba lớp cửa võng ở nhà thiêu hương đều chạm trổ hoa lá và chim sóc cầu kỳ, bên ngoài phủ lên lớp sơn son thếp vàng lộng lẫy và phía trên là những bức hoành phi đại tự "Tam Giới Đại Sư", "Pháp Vương Vô Thượng", "A Di Đà Phật".
Trong chùa có vô vàn tượng pháp: Thập bát La Hán, Thập điện Diêm Vương, tượng chân dung các vị Tổ dòng Trúc Lâm và các vị Hoà thượng chân tu sau này. Có tượng Hộ pháp rất to nhưng cũng có tượng La Hán rất nhỏ bé và đa phần đều thuộc đời Nguyễn. Hơn thế nữa trong chùa còn có những giá kinh với những cuốn kinh khắc bằng gỗ thị từ rất lâu đời, có lẽ cũng cùng thời với những cuốn kinh ở chùa Bổ Đà (Việt Yên).
Ngoài bộ kinh đặc biệt đó thì đồ thờ tự trong chùa cũng khá lạ mắt. Từ chiếc mõ nhà sư dùng khi tụng kinh có chiều dài gần nửa mét, sơn đen bóng cho đến một số cây đèn gỗ, bát nhang có kích thước lớn là những di vật quý hiếm thấy.
Được dịp đến với Vĩnh Nghiêm tự, du khách sẽ khó lòng mà quên được một cảnh sắc chùa tĩnh lặng thâm nghiêm, một phong cảnh sơn thủy hữu tình, núi sông gắn kết cùng những con người Bắc Giang hiền hòa, hiếu khách.