Non nước Việt Nam

Chùa Ông Bổn – Một di tích nghệ thuật kiến trúc độc đáo ở Sóc Trăng

Cập nhật: 08/01/2009 15:29:58
Số lần đọc: 2042
Chùa Ông Bổn thị xã Sóc Trăng, trước tiên có tên Thất Phủ Miếu, được xây dựng tại làng Khánh Hưng (tổng Nhiêu Khánh), quận Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Vào năm Ất Hợi 1875 đến năm 1911, Thất Phủ Miếu được trùng tu lần 1, đổi tên thành Hòa An Hội quán được giữ nguyên trạng đến ngày nay. Đây là di tích nghệ thuật kiến trúc - điêu khắc văn hóa độc đáo của cộng đồng người Hoa Sóc Trăng và các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long.

Trong cuốn “Chuyện xưa tích cũ của cố học giả Vương Hồng Sển- nhà văn hóa, khảo cổ lớn của miền Nam ghi lại: “ Vào thời điểm này, sau khi kinh xáng Maspéro khởi công và hoàn thành vào năm 1911-1920, chùa Ông Bổn nằm ở trung tâm chợ Châu Thành ở làng Khánh Hưng – cùng với chợ Bãi Xàu ở làng Mỹ Xuyên (Mỹ Xuyên) được phong là “thị tứ đệ nhất hạng” do nghị định đề ngày 15/10/1904 của thống đốc Nam Kỳ đặt ra….”

Do có địa thế giàu tiềm năng kinh tế nên chùa Ông Bổn được người Hoa thời xưa xây dựng tổng thể kiến trúc theo hình chữ “ Phú ” – tượng trưng cho sự ấm no, phú quí theo quan niệm của người Hoa. Ngày nay, chùa Ông Bổn (Hòa An Hội quán) qua nhiều lần trùng tu vẫn giữ được nguyên hiện trạng cũ và tọa lạc ở địa chỉ số 09, đường Nguyễn Văn Trổi, phường 1, thị xã Sóc Trăng. Cách Bưu điện trung tâm tỉnh lỵ Sóc Trăng khoảng 700m. Di tích này rất thuận tiện cho du khách đến tham quan về đường bộ, cũng như đường thủy

Chùa Ông Bổn được xây dựng cách đây 128 năm, với chất liệu hoàn toàn bằng đá, gỗ quí từ Trung Quốc chở qua. Ngôi chùa có mặt tiền chính diện hướng về hướng Nam, hai bên tả hữu tô đá rửa được nghệ nhân đắp nổi bằng xi măng rộng khoảng 1 thước là 2 đại tự : “ Tăng, Phước” – ngụ ý chúc bà con bá tánh hưởng thêm nhiều phước lộc - tạo thêm vẻ bề thế cho ngôi chùa. Ngoài ra, ở bên hữu khuôn viên chùa còn có ngôi miếu nhỏ thờ Thần Hoàng Bổn Cảnh tượng trưng cho thần thổ địa của địa phương. Quan sát từ đỉnh hương lớn đặt giữa khuôn viên khá rộng của ngôi chùa, tổng thể kiến trúc di tích này có toàn bộ phần chân cột, đá xanh viền nền “tam cấp” trong khu vực nội thất đến khung cửa chính của ngôi chùa…đều được các nghệ nhân người Hoa đời trước tạc bằng đá tảng của Trung Quốc. ngôi chùa được thợ xây dựng “phân kim tam cấp” qua thước “ Lỗ Ban – theo hình chữ “Phú” - tượng trưng theo quan niệm của người Hoa.

Nghệ nhân điêu khắc Trần Văn Thanh nhận xét : : Kiến trúc ngôi chùa này được người xưa xây dựng 3 đôi mái ngói xanh kế tiếp nhau đến gian chính điện…”Đặc biệt qua đợt trùng tu sau này, ngôi chùa vẫn còn giữ nguyên hiện trạng đến 90% mái chùa lợp ngói ống âm dương màu xanh (ngói lưu ly) sản xuất ở Lái Thiêu. Đây là loại ngói cổ được người xưa rất ngưỡng mộ và kính trọng để lợp mái các ngôi đình, chùa, miễu… cùng với phần kiến trúc thẩm mỹ độc đáo bằng gốm tráng men màu của tượng “Bát Tiên hí võ”, “ Lưỡng Long tranh châu”, “ Mẫu đơn phụng”, hoa văn trang trí “Chỉ hoa cúc”… Ở tả hữu mái ngói trước tượng trưng âm dương hòa hợp, sung túc, no đủ nên càng tôn thêm vẻ tôn nghiêm cổ kính cho ngôi chùa.

Theo nghệ nhân điêu khắc Nguyễn Chinh đã từng thi công nhiều công trình điêu khắc, kiến trúc các ngôi chùa lớn ở các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long – TP.HCM thẩm định giá trị nghệ thuật: “ Ngoài ý nghĩa cầu cho “quốc thái dân an”, “ mưa thuận, gió hòa”, “ chánh thần phù hộ ban phước lành cho nhân dân…” thì riêng các phần điêu khắc, chạm trỗ khuôn viền các biển bức hoành phi (chạm 3 lớp), kham thờ chánh điện, tượng gỗ đỡ giàn cột kèo gồm 6 bộ cột vuông, bộ cột tròn, bộ cột long trụ…đều do nghệ nhân Trung Quốc sáng tác. Và đây là những tác phẩm điêu khắc tinh xảo, độc đáo “có 1 không 2” so với các ngôi chùa cổ khác ở đồng bằng Sông Cửu Long. Các công trình trên buộc chúng ta tưởng nhớ đến hàng chục nghệ nhân ngồi đục đẽo ròng rã hàng năm trời. Cái khéo léo là những tác phẩm độc đáo này được lớp nghệ nhân đời trước tạo tác rất công phu, dáng vẻ sinh động, thoát tục, hướng vào tín ngưỡng tâm linh trong cuộc sống nhân gian.

Ngoài ra, chùa Ông Bổn ở thị xã Sóc Trăng còn có nhiều cổ vật quí hiếm khác là tượng gỗ thờ Ông Bổn, Ông Phước Đức, Bà Thiên Hậu Thánh mẫu, sơn son thiếp vàng rực rỡ; bộ lư quỳ cổ hình thái tuế, 3 bộ lư vuông, cặp hạc rùa ngậm hoa sen bằng kim loại màu…các bộ bàn thờ (quý tự) bằng gỗ quý đều được các nghệ nhân chạm khắc 3 lớp và dát vàng rất tinh xảo. “ Đặc biệt hơn nữa là ngôi chùa kiến trúc theo hình chữ “Phú” với nghệ thuật chạm trổ tinh xảo độc đáo trang trí từ bên ngoài đến nội thất bên trong; nên chùa Ông Bổn thị xã Sóc Trăng được giới người Hoa ở Rạnh Giá (Kiên Giang) rất ngưỡng mộ. Họ mời các nghệ nhân ở Sóc Trăng đo đạc theo nguyên trạng ngôi chùa để thiết kế phần trang trí nội thất giống như khuôn mẫu di tích lịch sử văn hóa độc đáo này của người Hoa Sóc Trăng để xây dựng ngôi chùa mới tại quê hương mình… 

Nguồn: website Soctrang-online

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT