Du lịch sinh thái Hậu Giang
Khu vui chơi sinh thái Tây Đô, nằm cạnh Quốc lộ 61 thuộc xã Tân Bình, Phụng Hiệp, đi vào hoạt động từ năm 2001. Ở đây có những ngôi nhà xây dựng với lối kiến trúc khá hiện đại, gồm: nhà hàng, hội trường, nhà nghỉ liền kề bình dân, nhà nghỉ theo lối nhà rông... trong không gian thoáng đãng. Theo con đường xi măng đi sâu vào bạn phải vượt qua mô hình “cầu treo Mỹ Thuận” để bắt đầu thâm nhập “văn hóa miệt vườn”. Cầu bắc qua chiếc hồ lớn, dưới hồ dập dềnh thuyền đạp nước. Hồ thông tuyến với “mê cung” thủy lộ ngoằn ngoèo dẫn đưa qua những bến bờ rợp mát bóng cây: dâu, dừa, cóc, măng cụt, sầu riêng... mùa nào cũng có. Đi sâu hơn nữa, bạn sẽ đến khu vườn toàn nhãn, toàn sơ ri. Dưới bóng mát của cây trái, bạn có thể thả hồn vào giấc mộng bên cánh võng đong đưa với những làn gió mát mẻ. Nếu có hứng thú, bạn có thể ngồi xe độc mã hay song mã, lọc cọc tiếng vó ngựa buồn buồn, gợi cảm, thăm thú các nơi nuôi nhốt gấu ngựa, gấu chó, gấu chồn, trăn, cua đinh, trĩ, kỳ đà...
Khu vui chơi sinh thái Tây Đô khá thuận tiện để khách tham quan tới nhờ tuyến xe buýt thành phố Cần Thơ hoặc thị xã Vị Thanh hoạt động suốt ngày.
Nhưng du lịch sinh thái đúng nghĩa tại Hậu Giang phải đến Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng cũng thuộc huyện Phụng Hiệp. Lung Ngọc Hoàng rộng gần 300.000ha, từ Tây sông Hậu tới tận U Minh (Kiên Giang), là vùng đất ngập nước được đánh giá rất quan trọng đối với môi trường sống, là “lá phổi xanh” của toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Lung Ngọc Hoàng vẫn còn một khu vực rộng lớn, hoang vu, trời nước bao la với những bưng trấp, năn, lác và lau sậy dày đặc.
Đi chơi trong khu vực Lung Ngọc Hoàng, khách du lịch có thể dùng xuồng chèo hoặc ngồi trên tắc ráng đi theo những kinh mương ngắm những bến bờ rợp bóng cây xanh, những khóm bông mua tím rịm nở chào. Vào ruột rừng, bạn sẽ thấy những thân tràm to lớn gần một vòng tay ôm, vươn thẳng lên trời cao, chân ngâm trong nước. Vùng đất này là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật quý hiếm với hơn 300 loài thực vật; hơn 200 loài động vật. Có 9 loài chim quý hiếm là bạc má, cà cuốc, cò ốc, cò lạo xám, giang sen, ác là, le khoang cổ, nhưng nhiều nhất là vạc - mỗi bầy có tới hàng ngàn con; 5 loài thú quý hiếm khác: rái cá, rái móng, dơi chó, chồn mực, cáo mèo; 10 loài bò sát tiêu biểu: rắn mái gầm, rắn cạp nong, rùa vàng, rùa nắp. Ngoài ra, còn có 77 loài thủy sản. Chính vì vậy mà xưa nay Lung Ngọc Hoàng nổi tiếng là vựa cá, vựa rắn, vựa các loài động vật hoang dã lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trèo lên đài quan sát giữa rừng, chứng kiến cảnh chim muông đi kiếm ăn buổi sáng hoặc về tổ buổi chiều, bạn có cảm giác sống trong thời hồng hoang xưa. Khách cũng có thể ngồi trong tum lá xé, thư thả buông câu, cá cắn câu nhờ nhà bếp pha chế, bạn sẽ có món ngon đậm nét ẩm thực dân dã đồng bằng...
Với nhiều ưu điểm hiếm có, Lung Ngọc Hoàng từng được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt quan tâm đặc biệt. Ông đã chỉ đạo việc tái tạo và cân bằng hệ sinh thái nhằm tạo môi trường du lịch hấp dẫn để nhân dân có chỗ nghỉ ngơi, vui chơi giải trí; các nhà nghiên cứu môi trường đa dạng sinh học để đưa vào quản lý, sử dụng tài nguyên theo hướng phát triển bền vững. Tiếc thay, từ đó đến nay, Lung Ngọc Hoàng vẫn chưa làm được nhiều, chỉ mới có con đường được tráng nhựa phẳng phiu, đi xuyên qua những tàn cây xanh rợp bóng mát và những kênh rạch hấp dẫn khách phương xa.