Hoạt động của ngành

Hội An: Mở rộng tuyến tham quan khu vực rừng dừa Bảy Mẫu

Cập nhật: 10/10/2017 08:51:57
Số lần đọc: 648
UBND TP Hội An (Quảng Nam) vừa phê duyệt phương án xây dựng, mở rộng tuyến tham quan khu vực rừng dừa Bảy Mẫu và tham quan nội vùng tại xã Cẩm Thanh (Hội An).

Du khách tham gia trồng dừa nước khi tham quan tại rừng dừa Bảy Mẫu

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, việc ban hành phương án xây dựng, mở rộng tuyến tham quan khu vực rừng dừa Bảy Mẫu và tham quan nội vùng tại xã Cẩm Thanh nhằm khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, phát huy các giá trị di tích lịch sử và bảo vệ vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyền thế giới (DTSQTG) Cù Lao Chàm. Đồng thời là cơ sở để kêu gọi doanh nghiệp du lịch khai thác, mở rộng không gian hoạt động du lịch tại Cẩm Thanh, xác định các nội dung, khu vực hoạt động phù hợp trong thời gian UBND TP công bố khu vực cấm, hạn chế hoạt động du lịch trong vùng đệm của Khu DTSQTG Cù Lao Chàm.

Theo đó, đã xác định danh mục 17 điểm thu hút trên tuyến tham quan tại xã Cẩm Thanh và phân thành các nhóm gồm: Lịch sử - Văn hóa (7 điểm); Địa lý - Cảnh quan (8 điểm); Sinh thái - sinh học (2 điểm). Các điểm này cũng được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên trong phát triển du lịch, trong đó điểm ưu tiên đầu tiên là Khu di tích lịch sử rừng dừa Bảy Mẫu.

Ông Sơn cho biết, trên cơ sở xác định các điểm thu hút, nội dung thông điệp diễn giải và việc khoanh vùng bảo vệ các giá trị của vùng đệm của Khu DTSQTG, phương án đã xác định 5 tuyến, điểm tham quan khai thác tại đây: Chương trình tham quan mang đặc trưng sinh thái với vùng trọng điểm phát triển là rừng dừa Bảy Mẫu, hình thức vận chuyển bằng thuyền (tối đa 4 người/thuyền) hoặc thúng chai (tối đa 2 người/thúng). Các chương trình có thời lượng 30 phút hoặc 45 phút với các hoạt động phục vụ khách như hướng dẫn tham quan; biểu diễn loại hình nghệ thuật dân gian như hò khoan trên sông hoặc hát múa bả trạo. Biểu diễn hoạt động quăng chài hoặc lắc thúng chai.

Chương trình tham quan mang đặc trưng lịch sử - cách mạng với vùng trọng điểm phát triển là đường bộ và đường sông thuộc địa bàn xã. Du khách có thể di chuyển bằng xe đạp, kết hợp tham quan rừng dừa bằng thuyền hoặc thúng chai.

Chương trình tham quan mang đặc trưng sinh thái - lịch sử - làng nghề với trọng điểm phát triển là khu vực đường bộ, tuyến sông, vườn rau hữu cơ.

Hai chương trình tham quan mang đặc trưng lịch làng sử - làng nghề, trọng điểm phát triển là khu di tích lịch sử - văn hóa, vườn rau hữu cơ,…

Nguồn: Báo Văn hóa

Cùng chuyên mục