Hoạt động của ngành

Hải Phòng ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Cập nhật: 30/10/2017 08:23:32
Số lần đọc: 447
(TITC) – Ngày 19/10/2017, UBND TP. Hải Phòng đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Chương trình nhằm cụ thể hóa, quán triệt và thống nhất chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 08-NQ/TW; Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 6/10/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/12/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về đẩy mạnh phát triển du lịch TP. Hải Phòng giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 20/7/2017 của Hội đồng nhân dân TP về “Nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch Hải Phòng giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030”.

Mục tiêu sẽ xây dựng, phát triển du lịch Hải Phòng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực, bền vững, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, khác biệt, thân thiện với môi trường, có thương hiệu, có sức cạnh tranh trong nước và quốc tế. Chú trọng phát triển du lịch biển đảo theo chiều sâu, có chất lượng cao, mang đậm bản sắc về vùng đất, con người Hải Phòng.

Phấn đấu đến năm 2020, Hải Phòng sẽ đón 8 triệu lượt khách, tốc độ tăng trung bình 8,2%/năm; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 3.500 tỷ đồng, tăng trung bình 8,9%/năm. Bên cạnh đó, đầu tư và đưa vào sử dụng cầu cảng đón tàu du lịch biển quốc tế; có thêm từ 3 đến 5 khách sạn 5 sao trở lên; xây dựng sân golf và khu nghỉ dưỡng cao cấp; nâng tổng số cơ sở lưu trú được xếp hạng là 400 cơ sở với 10.000 phòng; 100% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ và cán bộ quản lý du lịch được đào tạo, bồi dưỡng nghề, kiến thức du lịch; xây dựng đảo Cát Bà theo mô hình đảo sinh thái, thông minh, trở thành khu du lịch quốc gia…

Đến năm 2025, du lịch Hải Phòng phấn đấu cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững; Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới; Cát Bà trở thành khu du lịch quốc tế, Đồ Sơn trở thành khu du lịch quốc gia.

Đến năm 2030, Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước; khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, trong thời gian tới, Hải Phòng sẽ tập trung nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc phát triển du lịch; Cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững; Xây dựng cơ chế, chính sách hiệu lực, hiệu quả để hỗ trợ, đầu tư phát triển du lịch; Thực hiện tốt công tác quy hoạch du lịch và quản lý sau quy hoạch; Ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; Phát triển du lịch chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Hải Phòng; Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá và phát triển thị trường du lịch; Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ phát triển du lịch; Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch…

Thu Thủy

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục