Non nước Việt Nam

Lào Cai: Bảo tồn nghề truyền thống để khích lệ sự vươn lên của cộng đồng

Cập nhật: 01/11/2017 13:34:22
Số lần đọc: 1856
Lào Cai là một trong những địa phương có chính sách khá tốt trong việc bảo tồn và giữ gìn nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc. Thực tế cho thấy mô hình trồng lanh và dệt vải thổ cẩm chỉ là một trong nhiều mô hình giảm nghèo dựa vào cộng đồng được phát triển trong thời gian qua.


Nghề dệt thổ cẩm không chỉ giúp người dân thoát nghèo mà còn góp phần bảo tồn nghề truyền thống.

Tạo việc làm ổn định cho người dân 

Xã Tả Phìn cách thị trấn Sa Pa (Lào Cai) khoảng 12km về phía bắc, là một trong những tuyến du lịch trọng điểm của huyện Sa Pa. Không chỉ được biết đến với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ, nơi đây còn hấp dẫn du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc địa phương, trong đó có nghề dệt thổ cẩm. Với mong muốn giúp đồng bào, trong thời gian qua, chính quyền huyện Sa Pa đã và đang nhân rộng nhiều mô hình trồng lanh và dệt thổ cẩm.

Theo đó, bà con sẽ được học tập và đổi mới mẫu mã thiết kế sản phẩm thổ cẩm đẹp hơn, ứng dụng hơn và kết nối với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm. Nhờ đó những năm gần đây, nghề thổ cẩm đã giúp cho những gia đình như chị Vàng Thị Mỷ thoát nghèo, có cái ăn cái mặc. “Nghề dệt thổ cẩm là nghề truyền thống, từ nhỏ chúng tôi đã được cha mẹ truyền nhưng chỉ là dệt để may váy, áo và đổi bán cho người trong bản. Từ khi được chính quyền địa phương dạy các mẫu dệt thổ cẩm đẹp hơn, sản phẩm của tôi và bà con làm ra được khách du lịch rất thích, trong bản dần thoát nghèo từ chính nghề truyền thống của mình”- chị Vàng Thị Mỷ (xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) chia sẻ.

Đến thời điểm này, huyện Sa Pa đã có hơn chục mô hình bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm. Cái nghề độc đáo này đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động bản địa, nâng cao nhận thức, địa vị trong gia đình và xã hội của người phụ nữ vùng dân tộc thiểu số. Các sản phẩm thổ cẩm làm ra ngày càng phong phú, đa dạng, thị trường được mở rộng cả trong và ngoài nước.

Giảm nghèo bằng nội lực 

Có thể thấy Lào Cai là một trong những địa phương có những chính sách khá tốt trong việc bảo tồn và giữ gìn nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc. Trong khuôn khổ dự án Đầu tư bảo tồn làng truyền thống dân tộc Mông bản Cát Cát, xã San Sả Hồ (Sa Pa), Lào Cai đã tiến hành bảo tồn 4 nghề thủ công truyền thống là: Nghề dệt thổ cẩm, nghề chạm khắc bạc, nghề rèn đúc, nghề mộc, đan lát mây – tre – rơm, giải quyết việc làm, đem lại hiệu quả về kinh tế – xã hội lớn cho sự phát triển của địa phương, đặc biệt là trong việc thu hút khách du lịch đến tham quan và tìm hiểu các sản phẩm làng nghề. Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Sa Pa, đã có 11 làng nghề thêu, dệt thổ cẩm thuộc các xã Tả Phìn, San Sả Hồ, Sa Pả với trên 1.000 hộ tham gia, mỗi năm đưa ra thị trường từ 32.000 – 35.000 m vải. Các huyện Văn Bàn, Bắc Hà… cũng đã hình thành nhiều làng nghề thêu, dệt thổ cẩm, thu hút hàng nghìn lao động nhàn rỗi…

Thực tế cho thấy mô hình trồng lanh và dệt vải thổ cẩm chỉ là một trong nhiều mô hình giảm nghèo dựa vào cộng đồng được phát triển trong thời gian qua. Theo Báo cáo của Ngân hàng thế giới, hơn 30 triệu người Việt Nam đã thoát khỏi đói nghèo trong hai thập kỷ qua. Sau 5 năm thực hiện mục tiêu giảm nghèo quốc gia, Việt Nam được thế giới đánh giá là 1 trong 6 quốc gia hoàn thành mục tiêu trước thời hạn và là điểm sáng về thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Nhìn đôi bàn tay khéo léo của những thiếu nữ Mông, Dao… đang từng ngày dệt nên những ước mơ về cuộc sống ấm no, hạnh phúc chúng ta có quyền hi vọng vào những mục tiêu giảm nghèo bền vững mà Chính phủ đặt ra trong giai đoạn tới. Trong đó khích lệ sự sáng tạo, chủ động và nội lực từ chính cộng đồng và người dân để cán đích thành công./.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT