Đà Nẵng: Phát triển sản phẩm du lịch chuyên biệt
Khi lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng ngày càng tăng mạnh thì việc xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch chuyên biệt, đặc trưng là cần thiết, vừa góp phần mang lại sự đa dạng cho các sản phẩm du lịch, vừa giữ chân du khách.
Song, ông Trịnh Việt Hưng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Empire, nhận thấy Đà Nẵng đang thiếu các dịch vụ vui chơi, giải trí, nhất là giải trí về đêm, các khu mua sắm và ẩm thực quy mô lớn, các chương trình biểu diễn nghệ thuật chất lượng, đặc sắc được tổ chức định kỳ để thu hút và giữ chân du khách…
Đồng quan điểm đó, ông Nguyễn Quang Hải, Trưởng ban Phát triển dự án của Tập đoàn Sun Group lý giải, du lịch ẩm thực, mua sắm, khu vui chơi giải trí về đêm là loại hình du lịch có khả năng tăng chi tiêu của khách du lịch mà các nước lân cận như Thái Lan, Singapore hay Malaysia đều đã thực hiện thành công.
Ông Hải cho rằng, Đà Nẵng nên tận dụng những thế mạnh về sông nước, biển, núi để tạo nên những sản phẩm du lịch mới, độc đáo, mang lại những trải nghiệm khác biệt như đầu tư sản phẩm đường sông bằng việc xây dựng cầu cảng, bến đỗ, du thuyền hạng sang, hình thành những sản phẩm đặc thù và độc đáo; đẩy mạnh du lịch MICE bằng cách xây dựng hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ từ cảng hàng không, cảng biển đến hệ thống lưu trú hạng sang với các tiện nghi vật chất và sức chứa tới hàng ngàn người cùng lúc. Đây là loại hình tiềm năng, có thể mang lại doanh thu cao.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng, đề xuất một số sản phẩm du lịch đáp ứng xu thế và nhu cầu của khách quốc tế: phát triển mạnh du lịch biển với hệ thống sản phẩm cạnh tranh khu vực về nghỉ dưỡng biển, đầu tư sản phẩm du lịch biển hấp dẫn du khách như: thuyền buồm, du thuyền, thám hiểm đại dương, câu mực về đêm, ngắm san hô; phát triển các loại hình thể thao trên biển: dù kéo, mô-tô nước, lướt ván, lướt ván buồm, thuyền chuối cùng một số dịch vụ bổ sung làm tăng thêm sức hấp dẫn cho biển; có thể phát triển theo hình thức kết hợp du lịch biển - núi tại khu du lịch Hải Vân - sông Trường Định - vịnh Đà Nẵng.
Ông Dũng cũng cho rằng, cần phát triển sản phẩm vui chơi giải trí cao cấp; hình thành khu bán hàng lưu niệm, khu ẩm thực vùng biển và các dịch vụ phục vụ khách khu vực ven biển; xây dựng các chương trình du lịch cộng đồng mạnh mẽ hơn, tiếp xúc với các làng nghề truyền thống. Xây dựng hình thức lưu trú homestay mới lạ, hay các dịch vụ gắn liền với đời sống của người dân bản địa. Hình thành các làng nghề thành một khu liên hoàn, có không gian riêng cho từng khu vực, mỗi điểm tham quan có thuyết minh, chiếu phim giới thiệu, bán sản phẩm, trưng bày, mua sắm. Đây là cách giúp các làng nghề duy trì sự tồn tại, phát triển trong tương lai và giới thiệu văn hóa đặc trưng của thành phố đến du khách trong nước cũng như bạn bè quốc tế; xây dựng các tuyến đi bộ đủ dài để đa dạng các loại hình hoạt động về đêm. Phát triển hiệu quả thêm các khu chợ đêm và các loại hình pub, bar, karaoke, du thuyền về đêm…
Giám đốc Sở Du lịch Ngô Quang Vinh cho biết, mục tiêu đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ đón từ 9 - 9,5 triệu khách du lịch, trong đó có từ 3 - 3,5 triệu khách quốc tế và hơn 6 triệu khách nội địa. Tốc độ tăng trưởng lượng khách bình quân hằng năm giai đoạn 2016-2020 đạt từ 14-16%. Đến năm 2020, phấn đấu tổng thu du lịch đạt 36.400 tỷ đồng, tăng bình quân hằng năm giai đoạn 2016-2020 từ 22-24%, tạo việc làm cho 85.000 lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch. Vì vậy, ngành sẽ tập trung phát triển du lịch theo chiều sâu, hình thành các sản phẩm du lịch mới, có sức cạnh tranh cao.
Ưu tiên phát triển theo 3 nhóm sản phẩm chính: nhóm sản phẩm du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; nhóm sản phẩm du lịch mua sắm, hội nghị hội thảo (MICE); nhóm sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, làng quê, làng nghề; đa dạng hóa sản phẩm du lịch bổ trợ như du lịch tâm linh, du lịch văn hóa - ẩm thực, chữa bệnh - làm đẹp, du lịch thể thao giải trí biển... Nâng cao chất lượng dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp, bảo đảm môi trường du lịch an ninh, an toàn, sạch đẹp, thân thiện và mang tính bền vững./.
Nguồn: Báo Đà Nẵng