TCDL tham dự Phiên họp khởi động xây dựng kế hoạch triển khai MRA-TP giai đoạn 2018-2022 của ASEAN
Quá trình xây dựng và triển khai MRA-TP đã trải qua hơn 10 năm với nhiều nỗ lực, đóng góp của các nước thành viên ASEAN. MRA-TP là cam kết của ASEAN nhằm phát triển ngành du lịch, cải thiện chất lượng dịch vụ du lịch, hướng tới mục tiêu kinh tế chung trong bối cảnh các nước thành viên có hệ thống chính trị, quy mô nền kinh tế và thị trường lao động khác nhau. Nếu được triển khai hiệu quả, MRA-TP sẽ là động lực thúc đẩy nhu cầu du lịch tới ASEAN, tiêu chuẩn hóa chất lượng dịch vụ và xây dựng lực lượng lao động ổn định, chất lượng. Với thực tế hội nhập khu vực và thế giới, MRA-TP đang đối mặt với nhiều thách thức đến từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Thế hệ Y (Millennials) và nhu cầu ngày càng cao dành cho Du lịch có trách nhiệm, Du lịch mạo hiểm và Du lịch ẩm thực.
Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch được các Bộ trưởng Du lịch ASEAN ký năm 2012, với mục đích thúc đẩy dịch chuyển lao động du lịch và trao đổi thông tin, kinh nghiệm thông qua đào tạo nghề du lịch, tạo cơ hội hợp tác và nâng cao năng lực cho các nước thành viên ASEAN. Chiến lược phát triển du lịch ASEAN giai đoạn 2016-2025 một lần nữa khẳng định cam kết của các Bộ trưởng, nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường năng lực cho các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực khách sạn và lữ hành ở cả cấp độ quốc gia và khu vực. Trên cơ sở đó, nhiều hoạt động đã được thực hiện như xây dựng 242 Bộ công cụ đào tạo cho các nghiệp vụ du lịch, tổ chức đào tạo các Đào tạo viên và Thẩm định viên ASEAN, ký Hiệp định thành lập Ban Thư ký khu vực triển khai MRA-TP và đưa vào hoạt động Hệ thống đăng ký nghề du lịch ASEAN (ATPRS). Các Bộ trưởng Du lịch ASEAN nhất trí sự cần thiết xây dựng Kế hoạch 5 năm triển khai MRA-TP 2018-2022. Dự án nhận hỗ trợ từ Chương trình Hợp tác Phát triển ASEAN-Úc (ACCDP) giai đoạn II và đã thành lập Nhóm công tác xây dựng Kế hoạch MRA-TP với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế.
Nhằm thu thập thông tin, số liệu về tình hình triển khai MRA-TP, Nhóm công tác sẽ khảo sát, làm việc tại các nước thành viên trong năm 2018. Dự kiến, các chuyên gia sẽ đến Việt Nam từ ngày 01-03/2/2018 và tổ chức một số cuộc họp, tọa đàm với các cơ quan, hiệp hội liên quan đến MRA-TP, các cơ sở đào tạo du lịch, các doanh nghiệp lữ hành và khách sạn của Việt Nam. Thông tin được tổng hợp qua các chuyến khảo sát là tài liệu quan trọng để Nhóm công tác xây dựng Kế hoạch triển khai MRA-TP giai đoạn 2018-2022, báo cáo tại Phiên họp Cơ quan du lịch quốc gia ASEAN trong năm 2018.
Phiên họp đặc biệt Ủy ban giám sát nghề du lịch ASEAN (ATPMC) được tổ chức ngày 12/12/2017 với sự tham dự của đại diện Cơ quan du lịch các nước thành viên ASEAN. Campuchia với vai trò quốc gia điều phối giới thiệu dự thảo Khung tiêu chuẩn xây dựng Tiêu chuẩn Nghề spa và chăm sóc sức khỏe. Đây là một lĩnh vực đang phát triển trên thế giới, đòi hỏi lao động chất lượng cao, được đào tạo tốt. Có thể kể đến một số phương pháp chăm sóc sức khỏe nổi tiếng trong khu vực như Thai massage (Thái Lan), Ayurrvedhic (Ấn Độ), Shiatsu (Nhật Bản). Cũng tại Phiên họp, các nước thảo luận nội dung dự thảo Hiệp định nước chủ nhà của Ban thư ký khu vực triển khai MRA-TP, dự kiến sẽ được ký giữa Ban Thư ký khu vực và Chính phủ Indonesia trong năm 2018.
Tin, ảnh: Tố Linh (từ Nay Pyi Taw, Myanmar)