Ba Chẽ (Quảng Ninh)- Vùng đất giàu tiềm năng du lịch
Điểm đến đầu tiên của Ba Chẽ mà du khách không nên bỏ qua, đó là khu di tích lịch sử cấp tỉnh Miếu Ông - Miếu Bà (xã Nam Sơn) nằm bên cạnh dòng sông Ba Chẽ.
Theo tài liệu của Viện Hán Nôm, Miếu Ông có tên cổ là Tam trĩ linh từ, là một trong 3 nơi (Cửa Ông và Quảng Yên) được đánh dấu là điểm thờ tự công lao đánh giặc của nhà Trần, thờ Tướng quân nhà Trần Lê Tự Đức - người có công trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông năm 1285 tại Ba Chẽ.
Miếu Bà nằm đối diện phía bên kia sông Ba Chẽ, thờ Mẫu Thượng Ngàn, người đã có công dạy những người dân miền núi cách làm ăn, trồng cây ăn quả, trồng lúa nương, đắp ruộng bậc thang, dựng nhà cửa, hái cây thuốc chữa bệnh. Từ xa xưa, những thương lái hay ngư dân khi đi qua khúc sông này đều đến thắp hương tại Miếu Ông - Miếu Bà để có được những chuyến vượt sông, vượt biển may mắn và làm ăn thuận lợi.
Sau khi tham quan, làm lễ tâm linh, cầu phúc an lành tại khu di tích Miếu Ông - Miếu Bà, du khách có thể ngồi thuyền thăm sông Ba Chẽ. Nếu đi vào buổi sáng, du khách sẽ được thưởng thức cảnh sương mù trên sông với những hình ảnh núi rừng mơ mộng, huyền ảo. Nếu đi vào buổi chiều sẽ được thưởng thức hoàng hôn trên sông kỳ vỹ mà không phải nơi nào cũng có được.
Điểm du lịch độc đáo nữa là khu di tích Lò gốm cổ, có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Đây là một lò sứ cổ có quy mô lớn nhất, còn gần như nguyên vẹn, được phát hiện ở Việt Nam cho đến nay, tiêu biểu cho giai đoạn cuối trong hơn 5.000 năm lịch sử phát triển gốm sứ Việt Nam nói chung và gốm sứ Quảng Ninh nói riêng.
Khu di tích này bao gồm đầy đủ hệ thống chế tác đồ sứ, như: Khu chế biến nguyên liệu, dãy bể ngâm, sân tập kết nguyên liệu, xưởng chế tác sản phẩm, bãi chứa sản phẩm phế thải... Đặc biệt, tại khu chế tác đã phát hiện lò nung sứ cổ có quy mô lớn, dài gần 60m, rộng khoảng 15m. Lò được xây dựng theo kiểu lò rồng, gồm 16 bầu lò xếp liên tiếp, thông với nhau để tạo sự liên hoàn trong sản xuất. Đây được coi là loại hình lò có trình độ vào loại tiên tiến vì tiết kiệm được nhiên liệu và thời gian nung.
Cùng với các điểm du lịch trên, đến Ba Chẽ, du khách có thể ghé qua chợ Ba Chẽ. Chợ Ba Chẽ có những nét rất riêng, mang phong cách của phiên chợ vùng cao. Chợ thường đông và sôi động trong các ngày mùng một, mười lăm (âm lịch) hằng tháng. Vào các ngày phiên chợ chính, du khách có thể mua sắm được nhiều sản phẩm từ núi rừng như măng nứa, măng mai, mật ong, sâm cau, chuối và một số bài thuốc lá chữa bệnh của đồng bào dân tộc thiểu số.
Là một huyện miền núi, Ba Chẽ còn có nguồn tài nguyên du lịch sinh thái phong phú, như: Thác Khe Lạnh, Khe Lùng, Hồ Khe Lọng, hang đá Lục Văn Thông, Đèo Giang... rất hợp với những người ưa thích sự khám phá, trải nghiệm.
Đặc biệt, đến Ba Chẽ vào mùa này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng trà hoa vàng - một loài hoa mang sắc vàng rực rỡ, thường nở rộ vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch. Du khách có thể đến tham quan các trang trại trồng hoa trà rộng tới vài ha tại xã Đạp Thanh. Tại đây, du khách được trải nghiệm cuộc sống lao động của người dân bản địa, được thưởng thức hương vị và nét đẹp rực rỡ của trà hoa vàng.
Hội Trà hoa vàng năm nay được huyện Ba Chẽ tổ chức từ ngày 5 đến 7/1/2018, với chủ đề “Rực rỡ Trà hoa vàng”. Đây là năm thứ 2, Ba Chẽ tổ chức hội trà hoa vàng. Trong khuôn khổ Hội Trà sẽ diễn ra các hoạt động: Liên hoan sản phẩm OCOP đặc trưng Ba Chẽ mở rộng năm 2018; trưng bày trà hoa vàng và sinh vật cảnh; khai hội, liên hoan dân ca, dân vũ, dân nhạc “Sắc xuân Ba Chẽ”; liên hoan trò chơi dân gian, ẩm thực các dân tộc Ba Chẽ; tham quan trang trại trà hoa vàng tại xã Đạp Thanh; hội thảo giải pháp phát triển du lịch; công bố tuyến, điểm du lịch, kết quả sáng tác logo huyện Ba Chẽ.../.