Thú vị du lịch đảo Hòn Sơn ở Kiên Giang
Phương tiện di chuyển
Xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh, có rất nhiều xe để bạn có thể tới cảng Rạch Giá và cũng có rất nhiều giờ chạy để lựa chọn, khi tới Rạch Giá sẽ có xe trung chuyển bạn ra bến cảng để đón tàu. Các bạn nên đi lúc 21h30, 22h hay 23h để sáng hôm sau lên tàu đi Hòn Sơn. Một vài nhà xe gợi là.
Vé tàu đi Hòn Sơn
Về vé tàu đi Hòn Sơn, có 2 hãng tàu cao tốc là tàu Ngọc Thành và tàu SuperDong, ngoài ra còn có các hàng tàu thường khác như Thanh Tú, Đức Trung…
• Tàu Ngọc Thành: 02973691888, giá vé là 140.000 đồng với thời gian di chuyển là 1 giờ 30 phút.
• Tàu SuperDong: 02838 666 333 hay 02973 877 742, giá vé là 140.000 đồng với thời gian đi là 1 giờ 30 phút.
• Tàu Thanh Tú: 029 73 868 619, giá vé 90.000 đồng và thời gian di chuyển là 3 giờ 30 phút, tàu chậm thường có chở thêm hàng hóa theo.
• Tàu Đức Trung: 0913 819 795, giá vé 90.000 đồng và thời gian di chuyển là 3 giờ 30 phút, có chở hàng hóa.
Theo kinh nghiệm của mình các bạn nên đặt trước vé xe, vé tàu và cả nhà nghỉ ở trên đảo, vì Hòn Sơn dần dần được chú ý nhiều nên lượng người ra đảo ngày càng đông, để cuộc vui trọn vẹn thì nên chuẩn bị trước vé tàu đi và về, đặc biệt là những ngày cuối tuần thường bị cháy vé, không có vé đi và về. Đặt vé tàu thì cần phải có chứng minh nhân dân mới đặt được nhé, mỗi chứng minh nhân dân chỉ được đặt 1 vé.
Thường nên đặt vé xe chuyến 21h30, vì thời gian di chuyển xuống Rạch Giá và đợi xe trung chuyển khá lâu, nên đặt chuyến muộn hơn sẽ có thể làm trễ chuyến tàu của các bạn.
Tàu SuperDong xuất phát chuyến đầu tiên lúc 6h15, tàu Ngọc Thành thường xuất phát sau tàu SuperDong, trên biển khoảng 90 phút, tàu sẽ đi ngang Hòn Tre, sau đó cập bến cảng Hòn Sơn, bến cảng nằm ở bãi Nhà.
Về tới Bãi Bấc, mình tới nhà nghỉ, gởi đồ đạc và chuẩn bị lên xe đi vòng quanh đảo. Đặc biệt, giá cả trên Hòn Sơn được niêm yết rõ ràng. Ngay bến tàu có treo các bảng thông tin giá cả phòng cho thuê và bảng giá thuê xe máy luôn, có chỗ cho thuê lều nếu ai muốn cắm trại ngoài bãi biển.
Con đường chạy tiếp tục từ Bãi Bấc, đi qua Bãi Đá, rồi tới Bãi Giếng trước khi trở lại Bãi Nhà nơi chúng ta xuống tàu. Ở Bãi Đá, như tên gọi của nó, những tảng đá to nhỏ nằm xếp lên nhau, chồng chất ngoài bãi biển thành bãi rất dài, nơi đây cũng có những nhà hàng hay những đường dẫn xuống Bãi Đá để tắm biển. Đi tiếp là qua Bãi Giếng, ở đây có họp chợ, chỗ này các bạn ghé mua hải sản nhé, vì hải sản ở đây rẻ và tươi hơn những chỗ khác, ai muốn mua hải sản đều được người dân chỉ tới chợ ở Bãi Giếng mua hết, giá vài món hải sản như sau: tôm tích 90.000 đồng, ghẹ 250.000 đồng, hàu size vừa 30.000 đồng 1 kg. Mua về có thể nhờ nhà nghỉ chế biến giúp.
Chạy hết Bãi Giếng sẽ có một con đường xuyên núi, đường hơi dốc và uốn lượn nên cần các bạn chắc tay lái chạy để an toàn nha. Từ trên con đường này bạn thấy được cầu cảng ở Bãi Nhà, cầu cảng ở Bãi Bấc.
Người ta nói, ra Hòn Sơn mà không đi Bãi Bàng thì giống như chưa đi Hòn Sơn. Bãi Bàng nằm trên con đường đi từ Bãi Nhà về Bãi Bấc. Bãi Bàng là một bãi cát dài, với những hàng dừa ngả nghiêng ra phía biển, ở đây có phục vụ nước uống, hải sản cũng như tắm nước ngọt và yên tâm rằng không hề có chặt chém giá cả nhé.
Theo lời khuyên của dân đảo nếu đi ra Hòn Sơn thì nên đi tầm tháng 1 đến tháng 5, vì trời trong xanh, biển đẹp và êm, ít bị mưa, tháng 6 đến tháng 9 là mưa nhiều nhất, tháng 10 đến tháng 12 mưa ít hơn và thời tiết dễ chịu hơn, nhưng bù lại đi vào tầm tháng 8 hải sản rất nhiều và rẻ nữa. Nếu đi những tháng đầu năm thì thích hợp để đi những tour câu mực hay đi bắt nhum. Ở đảo thì bạn nên thử món gà hấp rượu, gà được nuôi chủ yếu từ cơm dừa và tự kiếm ăn trên các triền núi quanh đảo, thịt gà chắc và rất thơm khi hấp với rượu.
Ở Hòn Sơn, địa hình chủ yếu là núi, đá tảng ở khắp mọi nơi, những tảng đá to nằm lăn lốc, chạy dọc đường thấy nhiều nơi bị sạt lở do mưa lâu ngày. Ở đây có ngọn núi Ma Thiên Lãnh, nếu chán tắm biển và muốn đổi gió thì đó là thử thách đặc biệt khi bạn đến Hòn Sơn, trên đỉnh Ma Thiên Lãnh có một tảng đá lớn bằng phẳng, theo truyền thuyết thời xa xưa những nàng tiên hay xuống đó vui chơi, nên giờ nó có tên là bàn Tiên./.