Liên kết giữa 4 địa phương để phát triển du lịch
Du khách tham quan phố cổ Hội An - Ảnh: VGP/Lưu Hương
Chiều 25/1, Sở Du lịch TP. Đà Nẵng tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch liên kết du lịch 4 địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên - Huế - Hà Nội năm 2018.
Qua hơn 10 năm triển khai hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế (kể từ năm 2006) và tiếp tục ký kết với TP. Hà Nội từ năm 2016, các địa phương đã tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch du lịch, nghiệp vụ lữ hành, khách sạn, thanh kiểm tra môi trường du lịch và an ninh trật tự…
Trong năm 2017, nhiều hoạt động liên kết hợp tác du lịch được triển khai, việc vận động các doanh nghiệp tăng cường liên kết hợp tác du lịch đạt được nhiều kết quả đáng kể như giảm giá vé máy bay và các dịch vụ tại điểm đến, hỗ trợ phòng lưu trú đón các đoàn farmtrip, presstrip…
Đặc biệt, Thừa Thiên-Huế và Hà Nội đã ký kết hợp tác chiến lược với Vietnam Airlines, bước đầu tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn của 4 địa phương khi đi xúc tiến trong và ngoài nước.
Tại hội nghị, ngành du lịch 4 địa phương thống nhất đề xuất Bộ VHTT&DL xác định Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Hà Nội vào nhóm các điểm đến hấp dẫn Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc gia để có hướng hỗ trợ công tác tuyên truyền, quảng bá, tham gia các hội chợ, triển lãm mới ở thị trường quốc tế, đặc biệt các thị trường mới như Australia, Ấn Độ, Nga...; sớm ban hành thông tư hướng dẫn triển khai Luật Du lịch mới 2017, hướng dẫn đề án tái cơ cấu ngành du lịch.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, đơn vị trưởng nhóm liên kết năm 2018 cho biết, trong năm nay, 4 địa phương sẽ tập trung các nhiệm vụ quản lý nhà nước và nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các đơn vị lữ hành, hướng dẫn viên, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về du lịch, chuyên nghiệp hóa môi trường du lịch…
Các địa phương cũng thống nhất tăng cường liên kết phát triển sản phẩm, liên kết truyền thông và xúc tiến quảng bá. Bên cạnh đó, các hiệp hội du lịch, doanh nghiệp du lịch cần chủ động liên kết hình thành chuỗi sản phẩm du lịch với giá ưu đãi phù hợp thị hiếu của du khách; hợp tác trên tinh thần hỗ trợ nhau, bảo đảm hiệu quả thiết thực cho cộng đồng, các doanh nghiệp tham gia phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, giữ gìn tài nguyên, phát triển du lịch bền vững.
Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện chương trình xúc tiến du lịch giữa các địa phương năm 2018 là hơn 1,9 tỷ đồng. Ngoài việc sử dụng ngân sách của Nhà nước được phân bổ hằng năm, các địa phương sẽ huy động nguồn lực xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức xã hội để tạo nguồn lực thúc đẩy du lịch phát triển./.