Khám phá làng nghề trăm tuổi ở Quảng Yên
Du khách tham quan làng nghề truyền thống Hưng Học.
Qua cầu sông Chanh bắc ngang dòng sông thơ mộng, chúng tôi đến thăm làng nghề đóng thuyền, đan ngư cụ truyền thống Hưng Học. Được biết, làng nghề Hưng Học được hình thành từ khoảng giữa thế kỷ 15. Tương truyền, tổ nghề là cụ Đặng Văn Tuân, tên huý là Quý Đôn, quê gốc ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Cụ vốn có nghề đan lờ cá rô, lờ cá diếc, thấy vùng bãi triều ven biển nhiều tôm, cua, cá..., cụ đã sáng tạo ra các loại lờ, đăng, đó để đánh bắt hải sản và truyền nghề cho con cháu trong dòng họ, cho nhân dân trong làng để tăng thêm thu nhập lúc nông nhàn.
Trên cơ sở nghề này, về sau, người dân đã sáng tạo thêm nghề đan thuyền nan nhẹ nhàng, cơ động phục vụ việc đi lại, đánh bắt hải sản, vận chuyển vật liệu trên sông, biển. Lâu dần, đan lát, đóng thuyền trở thành nghề truyền thống của người dân làng Hưng Học. Năm 2014, làng nghề Hưng Học chính thức được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống.
Trải qua hằng trăm năm, điều đáng quý là làng nghề vẫn giữ được những giá trị truyền thống. Ngày nay, cả làng Hưng Học đều biết làm nghề, cả làng như một công xưởng lớn. Người dân trang bị thêm nhiều phương tiện, thiết bị hiện đại để phục vụ đan, đóng thuyền nan. Thuyền nan, ngư cụ ở đây được nhiều người ở Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình... đặt mua bởi độ bền, đẹp. Nhiều nghệ nhân trên vùng đất giàu truyền thống này còn sáng tạo ra các sản phẩm mỹ nghệ để xuất khẩu, bán cho du khách.
Đến đây, du khách có thể trải nghiệm cuộc sống của người dân để biết thêm về quy trình, cách làm ra những sản phẩm thủ công, đánh bắt hải sản thân thiện với môi trường. Từ khi làng nghề phát triển phục vụ đón khách du lịch, sản phẩm của làng nghề đã trở thành những mặt hàng lưu niệm hấp dẫn du khách, đặc biệt là du khách quốc tế.
Về Quảng Yên tham quan các di tích, danh thắng, bạn đừng quên ghé thăm làng nghề Hưng Học để hiểu thêm về những giá trị của làng nghề truyền thống trên vùng đất Bạch Đằng giang lịch sử./.